Các thám tử bắt đầu bằng một cuộc họp kín. Điện thoại được gọi tới các cộng tác viên ở nước ngoài và nhiều đầu mối khác. Chưa đầy một tháng, thông tin tới tấp gửi về. Sự việc ngày một sáng rõ: Cậu thanh niên kia đúng là mất cha mẹ, không có tỳ vết gì ở quê, từng đi lao động ở CHLB Đức, công việc hiện thời khá ổn định. Duy chỉ có điều cậu ta vẫn đang vừa học vừa làm, chưa hề tốt nghiệp đại học. Cậu ta đã nói dối...
Một nhân viên của VPI đến gặp chàng trai, phân tích phải trái và bố trí để anh ta tự nhận lỗi với gia đình vợ tương lai. Chỉ vì mặc cảm với hoàn cảnh trước đây và muốn tạo được lòng tin mà anh ta phải nói dối. Con người này không xấu và hoàn toàn có thể trở thành một người chồng tốt. Hãy tha thứ cho anh ta. Đây cũng là điều mà nhân viên VPI đã khuyên khách hàng của mình.
"Quan trọng là ở cái đầu"
Trụ sở của công ty đặt tại khu biệt thự Trung Tự, Đống Đa, Hà Nội. Cơ ngơi chẳng có gì đặc biệt ngoại trừ một tấm biển chỉ đường bé nhỏ ghi dòng chữ VPI Co., Ltd (V - Private Investigation hay Công ty Điều tra và Bảo vệ - V). Người điều hành công ty là anh Nguyễn Hữu Vinh, 45 tuổi, một cựu thiếu tá công an.
“Xã hội đang ngày càng phát triển, quỹ thời gian của con người không có nhiều. Nhu cầu cần có thám tử, vệ sĩ để giải quyết khúc mắc ắt nảy sinh. Nhưng trên thực tế, mọi chuyện không dễ dàng. Luật thám tử nước ta chưa có. Còn người dân thì chưa quen nhìn nhận chúng tôi”, anh Vinh nói.
Thực ra lâu nay, qua sách báo, phim ảnh, dân ta hình dung thám tử là những anh chàng hay ưu tư, mặc veston dài, giắt súng lục và đặc biệt chuyên xỏ mũi cảnh sát... Theo anh Vinh, “quan trọng là ở cái đầu. Thám tử tư ở công ty VPI đều có ít nhất một bằng đại học, hiểu biết pháp luật, thành thạo vi tính, kiến thức xã hội rộng, biết võ nghệ, quay phim, chụp ảnh, lái ô tô... thậm chí cả chơi điện tử, khiêu vũ, uống rượu, đánh bài... Khi cần có thể biến hóa tức thì, từ vị giám đốc, đến dân gangster, khách hàng bình dân, người giúp việc...”.
Một vụ án mạng xảy ra, các thám tử sục đến, qua đường cửa sổ, hếch mũi, mở to mắt, máy ảnh bấm lia lịa... Những điều đó chỉ có thể xảy ra ở nước ngoài khi mà các “điều tra tư nhân” được quyền tham gia vào mọi lĩnh vực của đời sống, cũng ngang hàng với cảnh sát vậy. Còn ở nước ta, VPI chỉ dừng lại ở các vụ việc dân sự: cặp vợ chồng trục trặc tìm đến công ty để thuê điều tra người bạn đời của mình; ông bố, bà mẹ có con cái bỏ nhà đi, cậy nhờ thám tử truy tìm tung tích; hay cặp tình nhân có ý tìm hiểu lý lịch người yêu trước khi dắt nhau đi đăng ký; rồi cả những công ty muốn kiểm tra độ trung thành của nhân viên hay thực lực của đối thủ... Nhưng không phải đơn đặt hàng nào cũng là thánh lệnh buộc các thám tử tư phải tuân thủ. Có đức ông chồng thuê thám tử điều tra xem bà vợ đã biết ông ta... ngoại tình chưa; có bà đặt vấn đề thuê bắt quả tang chồng lúc đang “vàng ảnh, vàng anh” để phơi trước thiên hạ; có bà thì nhờ các thám tử kiêm luôn chức đánh ghen. Nguyên tắc của VPI là không làm việc cho những khách hàng kiểu ấy cho dù họ có nhiều tiền.
24/24h và 365 ngày
Công ty thám tử của người cựu thiếu tá công an luôn mở cửa đón khách 24/24 giờ và 365 ngày trong năm. Các nhân viên ở đây đều là những người độc thân. Mấy tháng trước, Vinh nhận được đơn đặt hàng của một cơ sở làm bánh ngọt truyền thống. Thân chủ của anh nghi một nhân viên đã ăn trộm bí quyết nhà nghề của họ để lập cơ sở sản xuất song song. VPI nhận thực hiện việc của mình và nắm được một vài điều mà gia chủ truyền cho nhau qua các đời để làm nên thành công trong kinh doanh hôm nay. Thế nhưng, từ khi kết thúc hợp đồng, các thám tử chưa hề tiết lộ “gót chân A-sin” của họ cho ai khác cũng như không dùng nó để tống tiền khách hàng. “Biết giữ im lặng là nguyên tắc tối cao của nghề thám tử”, Vinh kết luận.
Những gì ở trên chỉ là câu chuyện hiếm hoi mà Vinh tiết lộ. “Đừng bao giờ hỏi chúng tôi đã trèo tường, đột nhập máy tính, rú còi ầm ĩ trên đường như thế nào! Chúng tôi làm việc rất âm thầm. Chúng tôi là bạn của các gia đình”, Vinh khẳng định và tủm tỉm cười.
(Theo NLĐ)