Ngày 31/10, Wendy Beetlestone, thẩm phán Tòa án Liên bang Quận Đông bang Pennsylvania, ra phán quyết dừng lệnh cấm TikTok hoạt động tại Mỹ, dự kiến được chính quyền Tổng thống Donald Trump thực thi từ ngày 12/11.
Quyết định được đưa ra sau khi ba người dùng TikTok nộp đơn kiện, nói rằng họ có hàng triệu người theo dõi và thu về hàng nghìn USD cho mỗi video. Họ có nguy cơ mất quyền tiếp cận "các cơ hội việc làm chuyên môn nhờ TikTok" nếu ứng dụng này ngừng hoạt động.
"Lệnh cấm sẽ khiến người dùng mất khả năng tương tác với hàng triệu khán giả trên TikTok cũng như các thương hiệu tài trợ liên quan", thẩm phán Beetlestone nói.
Phán quyết đồng nghĩa TikTok có thể tiếp tục hoạt động tại Mỹ sau ngày 12/11, trừ khi nó bị đảo ngược. Quyết định của thẩm phán Beetlestone cũng chặn những biện pháp hạn chế bổ sung có hiệu lực từ ngày 12/11, trong đó cấm các nhà mạng và đơn vị hosting tại Mỹ cung cấp dịch vụ cho phép TikTok vận hành bình thường.
Hilary McQuaide, phát ngôn viên TikTok, cho biết công ty "cảm động sâu sắc" trước sự ủng hộ của cộng đồng người dùng.
Bộ Tư pháp Mỹ vẫn có thể kháng cáo, nhưng chưa đưa ra bình luận.
Hồi tháng 8, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh coi TikTok là mối đe dọa an ninh quốc gia và lên kế hoạch cấm ứng dụng này. Bộ Thương mại Mỹ sau đó đề ra các biện pháp chi tiết để thực thi sắc lệnh, trong đó chia làm hai giai đoạn.
Đầu tiên, TikTok bị xoá khỏi các kho ứng dụng từ ngày 27/9. Những người đã tải ứng dụng vẫn có thể sử dụng bình thường cho đến ngày 12/11, khi giai đoạn cấm thứ hai nhằm chặn hoàn toàn hoạt động của TikTok tại Mỹ có hiệu lực.
Ngày 27/9, chỉ vài giờ trước khi giai đoạn một có hiệu lực, thẩm phán Tòa án Liên bang quận Columbia Carl Nicholas đã ra phán quyết chặn lệnh xóa TikTok khỏi chợ ứng dụng. Ông cho rằng quyết định của chính quyền Trump vượt quá giới hạn pháp luật cho phép.
Trong khi đó, Oracle và Walmart vẫn đang hoàn tất quá trình mua lại TikTok tại Mỹ để lập công ty mới là TikTok Global. Họ có thể vấp phải sự phản đối từ chính quyền Trung Quốc do nước này coi động thái của Mỹ là hành động chiếm đoạt công nghệ của Trung Quốc một cách phi lý.
Điệp Anh (theo Washington Post)