Theo chánh án Bùi Hoàng Danh, những năm gần đây TAND thành phố đã tập trung chỉ đạo giải quyết một lượng lớn án tồn đọng, quá hạn. Trong 6 tháng qua, toàn ngành tòa án đã giải quyết được gần 300 vụ nhưng vẫn còn tới gần 840 vụ. Chủ yếu rơi vào án dân sự gồm các vụ việc như tranh chấp thừa kế, quyền sở hữu tài sản, hợp đồng mua bán...
Chẳng hạn vụ tranh chấp bức tường giữa bà Ngô Thị Hoàng Thu, (95A Nguyễn Văn Đậu, phường 5, Bình Thạnh) với nhà hàng xóm. Bắt đầu từ năm 2000, bà gửi đơn khởi kiện lên TAND quận giải quyết nhưng hơn nửa năm sau, tòa mới ra quyết định thụ lý vụ kiện. Tuy nhiên, chờ mãi không thấy tòa gọi, bà Thu lên hỏi thì được cho biết lý do là phải chờ trả lời của đơn vị chức năng nên thẩm phán kéo dài vụ kiện hết năm này sang năm khác. Năm 2003, bà Thu đã gửi đơn khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền thì sau đó phiên tòa có mở nhưng thẩm vấn nửa chừng thì hoãn để điều tra thêm. Tính đến giờ này, vụ tranh chấp bức tường của bà Thu đã hơn 6 năm nhưng vẫn chưa có phán quyết nào từ cơ quan có thẩm quyền.
![]() |
Còn nhiều án quá hạn do nguyên nhân chủ quan của thẩm phán. Ảnh: N.H. |
Lãnh đạo của tòa thành phố cho rằng, tình trạng trên là do tính chất vụ án ngày càng phức tạp, nhiều người tham gia tố tụng, đương sự thường xuyên thay đổi yêu cầu, cố tình vắng mặt, không hợp tác, khó khăn trong công tác tống đạt quyết định, triệu tập, hoặc phải chờ kết quả xác minh, kiểm định của cơ quan chức năng...
Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan được nhìn nhận là do thẩm phán chưa tích cực, có trường hợp còn không tác động án để hồ sơ mình được phân công giải quyết nên tồn quá hạn dài ngày. Nhiều người lại lúng túng trong tố tụng do không cập nhật văn bản, quy định của pháp luật. Thậm chí, còn nhiều thẩm phán có tâm lý lo ngại án mình giải quyết bị sửa, hủy, ảnh hưởng đến việc tái bổ nhiệm nên kéo dài, không dám đưa án ra xét xử. Hoặc khi gặp khó khăn về nghiệp vụ, nhiều người né tránh, chưa thẳng thắn trao đổi với cấp trên để tìm đường lối thống nhất, hướng khắc phục...
Để giải quyết, lãnh đạo TAND thành phố cho rằng, bản thân thẩm phán cần nâng cao ý thức, trách nhiệm và trình độ chuyên môn của mình. Về phía các lãnh đạo, tại một số đơn vị cũng phải quan tâm, kiểm tra đôn đốc công tác giải quyết án của thẩm phán. Bổ nhiệm, tăng cường, luân chuyển... để bảo đảm số lượng người nhưng nếu người được điều động còn nhiều án quá hạn mà không có lý do chính đáng thì phải ngưng.
Bà Phạm Thị Hoa, Chánh án TAND quận 10 nêu "phương pháp" giúp tòa này nhiều năm liền không có án quá hạn hoặc nếu có cũng rất ít là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý. Với hệ thống máy tính được nối mạng nội bộ nên lãnh đạo có thể kiểm tra, giám sát tiến độ giải quyết các hồ sơ vụ án của các thẩm phán bất cứ khi nào chỉ bằng một thao tác "nhấp" chuột. "Các vụ án chuẩn bị hết hạn mà chưa có kết quả giải quyết sau cùng, lãnh đạo sẽ nhắc nhở thẩm phán ngay trong cuộc họp giao ban", bà Hoa chia sẻ.
N.H.