Thẩm phán liên bang Jeremy Kernodle hôm 1/1 bác đơn kiện do nghị sĩ Louie Gohmert, Kelli Ward và nhóm "đại cử tri tự xưng" của bang Texas được đảng Cộng hòa đề cử, trong đó yêu cầu tòa tuyên bố rằng Phó tổng thống Mỹ Mike Pence là "người có thẩm quyền duy nhất và được tùy ý" quyết định kiểm đếm phiếu đại cử tri nào ở các bang.
"Nghị sĩ Gohmert và các đại cử tri thay thế không có vị thế pháp lý trong vụ kiện này, nên tòa án không có thẩm quyền xử lý yêu cầu. Vì vậy, tòa tuyên bố bác đơn kiện", thẩm phán Kernodle viết trong phán quyết.
Theo Kernodle, thẩm phán được Trump bổ nhiệm, cho rằng nghị sĩ Gohmert không chịu bất cứ thiệt hại pháp lý nào trong vụ kiện. Nhóm "đại cử tri tự xưng" ủng hộ Trump cũng không thể chứng minh thiệt hại của mình có liên quan đến Phó tổng thống Pence.
Gohmert sau đó tuyên bố sẽ xem xét kháng cáo lên Tòa Phúc thẩm số 5 về phán quyết của thẩm phán Kernodle. Ông hy vọng rằng sau khi trình ra các chứng cứ về cáo buộc gian lận bầu cử trước các nghị sĩ, "mọi người sẽ đi đến kết luận đúng đắn". "Nếu không, đó sẽ là dấu chấm hết của nền cộng hòa", ông tuyên bố.
Phán quyết của Kernodle kết quả được dự báo trước, khi giới chuyên gia cho rằng thẩm phán sẽ bác đơn kiện mà không xem xét đến những cáo buộc được nguyên đơn đưa ra.
Yêu cầu của nhóm nghị sĩ Cộng hòa dường như là bước tiếp theo cho kế hoạch gửi phiếu bầu của nhóm "đại cử tri thay thế" ủng hộ Tổng thống Donald Trump ở các bang chiến trường lên quốc hội để đảo ngược kết quả bầu cử.
Theo các nghị sĩ này, Đạo luật Kiểm phiếu Đại cử tri 1887 cần được tuyên bố là vi hiến vì nó mâu thuẫn với Điều 12 trong Hiến pháp Mỹ. Điều 12 quy định "các cơ chế giải quyết tranh chấp độc quyền", trong đó nói rằng "Phó tổng thống quyết định chứng nhận phiếu đại cử tri nào được kiểm hay không được kiểm của mỗi bang".
Trước đó, nhóm "đại cử tri" ủng hộ Trump do đảng Cộng hòa đề cử ở những bang chiến trường Biden giành chiến thắng cũng tự bỏ lá phiếu của riêng mình và gửi chúng đến quốc hội. Họ hy vọng rằng Pence sẽ gạt bỏ phiếu đại cử tri được thống đốc bang chứng nhận và kiểm đếm những phiếu "đại cử tri thay thế" này, qua đó trao chiến thắng cho Trump.
Tuy nhiên, các chuyên gia luật bầu cử chỉ ra rằng các "đại cử tri thay thế" mà chiến dịch Trump đề cập chỉ là những "đại cử tri tự xưng" không được luật pháp thừa nhận và sẽ không ảnh hưởng gì tới kết quả bầu cử. Hệ thống bầu cử Mỹ không công nhận đồng thời đại cử tri chính thức và đại cử tri "thay thế".
Trump gần đây liên tục gây áp lực với Pence, đề nghị ông không phê chuẩn kết quả bỏ phiếu của đại cử tri đoàn trong phiên họp lưỡng viện quốc hội ngày 6/1 sắp tới. Pence và nhiều trợ lý Nhà Trắng đã nỗ lực giải thích với Trump rằng vai trò Chủ tịch Thượng viện của Phó Tổng thống chủ yếu mang tính hình thức và ông không thể nào đơn phương bác bỏ kết quả bỏ phiếu của các đại cử tri.
Pence hôm 31/12 cũng gửi thư đến thẩm phán Kernodle, cho rằng ông không phải người phù hợp cho vị trí bị đơn trong đơn kiện của nhóm nghị sĩ Cộng hòa. "Đơn kiện của các nguyên đơn không phải là phương tiện thích hợp để giải quyết các vấn đề này, bởi họ đã kiện sai bị đơn", Pence viết trong thư.
"Phó tổng thống, bị đơn duy nhất trong đơn kiện, lại là người mà họ muốn tăng quyền lực. Đó là sự mâu thuẫn pháp lý đầy trớ trêu", luật sư thuộc Bộ Tư pháp Mỹ và đại diện cho Pence, cho hay.
Vũ Anh (Theo Hill)