![]() |
Ảnh minh họa. |
Tham dự Hội nghị có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Chủ tịch 32 tỉnh thành phía Bắc và các thành viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định, tham nhũng làm mất lòng tin của nhân dân và mất ổn định tình hình kinh tế, xã hội. Cần phải ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng để Đảng trong sạch, cán bộ kỷ cương, liêm khiết. "Lúc nào cũng kêu tham nhũng mà không làm là không được", Thủ tướng nhấn mạnh.
Mặc dù đánh giá cao nỗ lực của các địa phương trong việc phòng chống tham nhũng nhưng người đứng đầu Chính phủ vẫn cho rằng, một số lãnh đạo vẫn chưa nhận thức đúng đắn về tình hình nghiêm trọng của nạn tham nhũng lãng phí. Việc tự phát hiện tham nhũng vẫn còn yếu, chưa cơ quan, đơn vị nào làm được.
Đề xử lý tình trạng này, theo Thủ tướng, cần phải thanh tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, dứt khoát không để lọt tội, kể cả các vụ việc xảy ra từ 5 năm trước. Bên cạnh đó, lãnh đạo các đơn vị cũng phải cương quyết, không được bao che, bởi nếu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, trách nhiệm trước hết thuộc về những người này.
"Tiền của dân, sử dụng gì cũng phải công khai. Càng công khai, minh bạch thì càng ít tham nhũng. Tại sao sử dụng tiền của dân mà không dám công khai? Bây giờ tiền tiếp khách lớn quá", Thủ tướng lo lắng nói.
Thủ tướng cho biết, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục cải cách tiền lương để dần dần công chức có thể sống được bằng lương, nhờ đó sẽ giảm được tình trạng tham nhũng. Theo đó, năm 2008, thu nhập bình quân đầu người sẽ là 960 USD và năm 2009, mức thu nhập sẽ lên tới 1.100 USD, đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước có thu nhập thấp.
Tham nhũng chủ yếu liên quan đến đất đai
Thừa nhận tình trạng tham nhũng trong xã hội vẫn còn nghiêm trọng, ngày càng tinh vi và chủ yếu do nhân dân, báo chí phát hiện, nhưng Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng, dù sao hành vi này vẫn không thể qua mặt được người quản lý cơ quan đó.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Trịnh Quang Sử, việc đấu tranh phòng chống tham nhũng Hải Phòng chưa đáp ứng được yêu cầu và số vụ bị phát hiện, xử lý chưa nhiều. Tình hình tham nhũng ở thành phố này còn phức tạp, chủ yếu liên quan đến đất đai. Hải Phòng đã cách chức một Bí thư huyện ủy, một Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường.
"Bất kể ai vi phạm cũng phải xử lý. Như vậy mới có thể lấy lại niềm tin của nhân dân", ông Sử khẳng định.
Còn Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Cường thừa nhận, tình trạng khiếu nại ở địa phương này chủ yếu liên quan đến đất đai. Theo đó, có vụ, công an đã bắt tới 6 cán bộ chủ chốt của xã và khi ra tòa, nhiều người bị xét xử tới mức 10 năm tù giam.
Cũng đề cập tới vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Lợi cũng cho biết, khi tiến hành kiểm tra 3 xã nổi cộm về quản lý đất đai và phát hiện sai phạm, thanh tra đã khẩn trương chuyển hồ sơ vụ án sang cơ quan công an.
Chuẩn bị xét xử hàng loạt vụ án lớn
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, năm 2007, cả nước phát hiện 584 vụ với gần 1.300 người có hành vi tham nhũng, gây thiệt hại hơn 860 tỷ đồng. Trong đó, đã khởi tố mới 435 vụ, 978 bị can và đưa ra xét xử 360 vụ, 843 bị can... Việc xử lý này cao hơn so với năm 2006 và tập trung nhiều ở Hà Nội, TP HCM, Nghệ An, Thanh Hóa, Long An, Bình Thuận...
Hết tháng 11, Thanh tra Chính phủ cũng đã thực hiện 26 cuộc thanh tra, kết luận và báo cáo Thủ tướng kết quả 10 vụ với tổng giá trị sai phạm là gần 360 tỷ đồng, hơn 1 triệu USD. Sắp tới, cơ quan này sẽ có kết luận về 4 vụ thanh tra: Dự án khu đô thị Nam Trung Yên (Hà Nội), Công ty Thiết bị dạy học (Bộ GD&ĐT), việc sử dụng đất Dự án khu đô thị, cụm công nghiệp tại Nam Định, và cụm công nghiệp tại Tây Ninh.
Đối với 8 vụ án trọng điểm, đến nay đã có 4 vụ và mảng tội đánh bạc trong vụ PMU 18 được đưa ra xét xử. Hiện, vụ Nguyễn Lâm Thái đã chuyển hồ sơ tới TAND tỉnh Đồng Nai; vụ Nguyễn Đức Chi ở Khánh Hòa, dự kiến sẽ được đưa ra xét xử tại tỉnh Trà Vinh, và Vụ Điện kế điện tử tại TP HCM sẽ được xét xử trong thời gian tới.
Riêng mảng "kinh tế" và "tham ô" trong vụ PMU 18 đang được mở rộng điều tra, trong đó có việc khởi tố vụ án và khởi tố mới một số bị can về tội tham ô tại Dự án cầu Bãi Cháy (Quảng Ninh) để sớm đưa ra xét xử.
Ngoài ra, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đang đôn đốc, chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng điều tra, xử lý một số vụ án tham nhũng mới được phát hiện như: Vụ chia chác đất đai tại Quán Nam (Hải Phòng); Vụ Trần Văn Khánh (nguyên Tổng Giám đốc Tổng công ty Vật tư Nông nghiệp, Bộ NN&PTNT); Vụ cố ý làm trái ở Sở Quản lý kinh doanh vốn và ngoại tệ, Ngân hàng NN&PTNT; Vụ tượng đài Điện Biên Phủ; Vụ Thiên Lợi Hòa ở Lào Cai; Đề án 112...
Tiến Dũng