Một khoang phóng xạ bị bỏ quên được những người tìm thấy nó sau đó cho rằng đó là kim loại phế thải và bán đi, bắt đầu chuỗi sự kiện dẫn tới hơn 112.000 người phải tầm soát nhiễm phóng xạ và 4 người tử vong, theo IFL Science.
Tai nạn Goiânia bắt đầu khi một viện xạ trị tư nhân chuyển đi và bỏ lại một thiết bị chữa bệnh có chứa cesium-137 mà không thông báo cho nhà chức trách. Thiết bị phóng xạ nằm tại chỗ trong suốt quá trình phá dỡ cơ sở. Sau này, nó được hai thiếu niên phát hiện và chở về nhà để tìm cách tháo rời, để lộ thành phần độc hại. Theo báo cáo sơ bộ của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), nguồn phóng xạ nằm ở dạng muối caesium chloride dễ hòa tan và phân tán, gây ô nhiễm môi trường. Đó là khởi đầu cho một trong những tai nạn phóng xạ nghiêm trọng nhất từng diễn ra.
Sau khi khoang chứa bị vỡ, hai thiếu niên bắt đầu bán các bộ phận cho người buôn đồng nát, trong đó có khối chất phóng xạ cesium-137 phát sáng màu xanh dương trong bóng tối. Vật thể thu hút nhiều người thân và bạn bè của người đó tới chiêm ngưỡng. Sau đó, họ thích thú mang về nhà những mẫu vật lớn cỡ hạt gạo. Khoảng 5 ngày sau, mọi người bắt đầu trải qua các triệu chứng đầu tiên. Họ gặp vấn đề ở dạ dày - ruột nhưng không hề biết đó là kết quả do phóng xạ, nhưng khi một người dân trình khoang thiết bị cho cơ quan y tế cộng đồng, mức độ nghiêm trọng của tình huống trở nên rõ ràng.
Chính quyền địa phương phải trưng dụng một sân vận động làm nơi tập trung người nhiễm phóng xạ và bị thương. Tổng cộng khoảng 112.000 người được theo dõi, trong đó phát hiện 249 người nhiễm phóng xạ ở bên ngoài hoặc trong cơ thể. Hơn 20 người phải nhập viện và 4 người tử vong do hội chứng bức xạ cấp tính.
Ước tính nạn nhân chịu ảnh hưởng tồi tệ nhất tiếp tục với lượng phóng xạ khoảng 4,5 - 6 Gray (Gy). Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, một người có nguy cơ mắc hội chứng bức xạ cấp tính khi tiếp xúc với 0,7 Gy, do đó các nạn nhân của tai nạn ở Goiânia trở thành những người nhiễm phóng xạ nặng nhất trong lịch sử.
Kết quả kiểm tra máu từ 110 người liên quan tới tai nạn Goiânia hé lộ mức độ nhiễm phóng xạ từ 0 tới 7 Gy. Tuy có những biện pháp điều trị cho người tiếp xúc với cesium, tổn thương mà nó gây ra cho mô cơ thể có nghĩa ngay cả người sống sót cũng có khả năng mắc bệnh sau này, bao gồm ung thư. Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Clinical Toxicology, cesium-137 tiến vào cơ thể thông qua tiêu hóa hoặc hít thở. Đồng vị này giải phóng phóng xạ beta và gamma, cả hai dạng phóng xạ ion hóa này đều phá hủy mô sống.
Tai nạn Goiânia là minh chứng cho thấy việc xử lý một thiết bị phóng xạ y tế có thể khiến gần như cả thành phố bị ô nhiễm. Thiết bị như vậy có thể trở thành mối đe dọa đối với đời sống con người trong hàng chục nghìn năm.
An Khang (Theo IFL Science)