Thứ tư, 18/12/2024
Thứ hai, 26/8/2019, 17:02 (GMT+7)

Thảm họa cháy rừng Amazon

Rừng Amazon ở Brazil hứng chịu hàng nghìn đám cháy, khiến khói lan rộng một nửa đất nước, đe dọa cuộc sống của hàng chục triệu dân.

Gần 79.000 vụ cháy rừng đã được ghi nhận ở Brazil trong năm nay, cao nhất kể từ năm 2013, và một nửa trong đó xảy ra tại rừng mưa Amazon, nơi được coi là "lá phổi xanh" của hành tinh. Theo Viện Nghiên cứu Không gian Quốc gia Brazil, riêng hai ngày 23 và 24/8 đã có hơn 1.600 đám cháy mới tiếp tục bùng phát tại Amazon.

Trong ảnh là đám cháy dài 2 km tại khu vực cách thành phố Porto Velho, thủ phủ bang Rondonia, phía tây bắc Brazil 65 km. 

Bang Rondonia là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong thảm họa cháy rừng, khi người dân phải chung sống với màn khói mù mịt. 

Các chuyên gia cho hay việc người dân địa phương phá rừng để làm nương rẫy hoặc chăn thả gia súc trong những tháng mùa khô đã khiến tình trạng cháy rừng trở nên nghiêm trọng hơn.

Ông Neri dos Santos, 48 tuổi, đứng nhìn đám cháy ở trang trại mà ông làm việc tại thành phố Nova Santa Helena, thuộc bang phía bắc Mato Grosso, phía nam lưu vực Amazon.

Theo Viện Nghiên cứu Vũ trụ Brazil, diện tích rừng mưa Amazon bị phá hủy mỗi phút lớn hơn 1,5 sân bóng đá. 

Tuần trước, khói và tro từ đám cháy rừng thậm chí bay qua 2.735 km tới thành phố Sao Paulo, nhuộm đen bầu trời vào ban ngày. Copernicus, chương trình vệ tinh của Liên minh châu Âu, chia sẻ bản đồ cho thấy khói lan tới vùng ven biển Đại Tây Dương của Brazil, bao phủ gần nửa đất nước và tràn sang các quốc gia láng giềng Peru, Bolivia và Paraguay.

Đàn bò được chăn thả ở khu vực rừng Amazon bị cháy gần Novo Progresso, bang Para. Hầu hết các vụ cháy rừng xảy ra ở vùng lưu vực rộng lớn của Amazon, nơi có hơn 20 triệu người sinh sống. 

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã ký sắc lệnh huy động quân đội đối phó các đám cháy và cam kết bảo vệ bằng được rừng Amazon, dù chính phủ của ông bị chỉ trích là phản ứng chậm chạp trước thảm họa.

44.000 binh sĩ Brazil đã được triển khai tới 7 bang, trong đó có Rondonia, để hỗ trợ địa phương dập tắt các đám cháy.

30 lính cứu hỏa cùng 6 máy bay, gồm 2 chiếc Hercules C-130 có khả năng mang theo 12.000 lít nước mỗi lần cất cánh, cũng tham gia chữa cháy rừng ở Rondonia.

Tổng thống Bolsonaro hôm 21/8 đổ lỗi cho các tổ chức phi chính phủ gây ra các vụ cháy, tuy nhiên sau đó một ngày, ông nói rằng các nông dân có thể là thủ phạm dẫn tới thảm họa này.

Ông Bolsonaro từng nhiều lần cho rằng Brazil nên mở cửa rừng Amazon vì mục đích kinh doanh, cho phép các công ty gỗ, khoáng sản và nông nghiệp khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Một vùng rộng lớn của rừng Amazon ở Porto Velho, bang Rondonia, trơ trọi sau hỏa hoạn. Thảm họa ở rừng mưa lớn nhất thế giới đang gây ra một làn sóng phẫn nộ toàn cầu, làm dấy lên các cuộc biểu tình thu hút hàng nghìn người ở Brazil lẫn các nước châu Âu. 

Tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở miền nam Pháp cuối tuần qua, các lãnh đạo của nhóm các nước công nghiệp phát triển, đã nhất trí hỗ trợ càng sớm càng tốt những quốc gia chịu ảnh hưởng do cháy rừng mưa ở Amazon. Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Anh Boris Johnson trước đó cũng đã đề nghị giúp đỡ Brazil khống chế thảm họa cháy rừng.

Thảm họa cháy rừng Amazon
 
 

Hình ảnh vệ tinh do Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) ghi lại hôm 22/8 cho thấy khói từ các đám cháy rừng ở Amazon lan tỏa ra nhiều khu vực khác ở Brazil, sang các nước láng giềng ở phía tây bắc. 

Ảnh: AFP, Reuters