Các vụ cháy rừng lan nhanh trên đảo Maui, Hawaii, đã giết chết ít nhất 93 người, trở thành thảm họa cháy rừng gây chết người nhiều nhất tại Mỹ trong 100 năm qua. Theo Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang Mỹ (FEMA), chi phí để xây dựng lại thị trấn Lahaina, đảo Maui, ước tính khoảng 5,5 tỷ USD, với hơn 2.200 công trình bị hư hại hoặc phá hủy và hơn 850 ha bị thiêu rụi, Reuters hôm 13/8 đưa tin.
Tác động đến môi trường ở Maui dự kiến cũng rất nghiêm trọng. Thảm họa cháy có khả năng biến đổi cảnh quan theo những cách không mong muốn, ví dụ như đẩy nhanh quá trình xói mòn, đẩy trầm tích vào các tuyến đường nước, làm suy yếu san hô vốn cực kỳ quan trọng với sinh vật biển và những người sống gần đó.
Nước uống
Các chuyên gia cho biết, cháy rừng có thể làm ô nhiễm các giếng tư nhân và hệ thống nước, kể cả những hệ thống của thành phố. Giếng tư nhân thường nông nên dễ bị hỏa hoạn tác động. Trong khi các hệ thống của thành phố cũng có khả năng bị ảnh hưởng khi hỏa hoạn làm hư hại hệ thống phân phối.
Sự giảm áp suất có thể khiến nước ô nhiễm trào ngược lên, hút thêm khói, bồ hóng, tro và hơi nước, thấm vào nhựa, đệm hay các vật liệu khác. "Chúng dần dần ngấm vào phần nước sạch mà bạn vừa đưa vào, khiến phần nước sạch đó không còn an toàn", Andrew Whelton, giáo sư kỹ thuật dân dụng, kỹ thuật môi trường và sinh thái tại Đại học Purdue, cho biết.
Đất và cảnh quan
Các loài cỏ xâm lấn và dễ cháy đã lan rộng qua thời gian và trong một đám cháy, chúng có thể góp phần đốt cháy rừng bản địa, đồng nghĩa rừng sẽ bị thay thế bằng nhiều cỏ hơn. Đất bị cháy và bong tróc, dẫn đến xói mòn nghiêm trọng sau hỏa hoạn, vùi lấp và giết chết san hô, gây ảnh hưởng đến nghề cá và làm giảm chất lượng nước biển.
Bụi có thể bị thổi lên trong nhiều năm, gây hại cho sức khỏe con người. "Khi mất đất, rất khó để khôi phục và trồng trọt lại. Sau đó, trong nhiều trường hợp, thứ duy nhất thực sự có thể sinh sống ở đó là các loài xâm lấn với số lượng nhiều hơn", Elizabeth Pickett, đồng giám đốc điều hành của Tổ chức Quản lý Cháy rừng Hawaii, nhận định.
Đại dương
Nhiều chất ô nhiễm từ đất liền chảy ra đại dương, ảnh hưởng đến các rạn san hô và hệ sinh thái biển. Nhà cửa, công trình thương mại, ôtô và xe tải cháy khiến cho mọi dòng chảy ra biển trở nên tồi tệ hơn vì chứa các vật liệu tổng hợp hay nhân tạo.
Tác động sẽ nghiêm trọng hơn ở những nơi mà khu vực bị cháy ở gần biển, theo Jamison Gove, nhà hải dương học tại Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA). Ông lưu ý, vị trí ven biển của Lahaina đồng nghĩa các vật liệu chỉ cần vượt qua "một khoảng cách tối thiểu" để đến đại dương.
Điều này chắc chắn sẽ tác động đến rạn san hô. "Các rạn san hô giúp bảo vệ bờ biển, cung cấp bãi cá, hỗ trợ các hoạt động văn hóa ở Hawaii. Việc mất rạn san hô sẽ gây ra những hậu quả bất lợi cho hệ sinh thái", Gove nói.
Thu Thảo (Theo Aljazeera, Reuters)