Cá voi xanh ăn sinh vật phù du
Cá voi xanh là động vật lớn nhất trên Trái Đất nhưng chúng chỉ tiến hóa kích thước khổng lồ trong vài triệu năm qua, International Business Times hôm 24/3 đưa tin.
Cách phân bộ cá voi tấm sừng, bao gồm những loài cá voi lọc thức ăn trong nước như cá voi xanh, cá nhà táng và cá voi lưng gù, trở nên to lớn từ lâu vẫn là một câu hỏi trong ngành tiến hóa. Cá voi xanh có thể đạt chiều dài khoảng 30 m và nặng 140.000 kg. Để duy trì thân hình đồ sộ, chúng ăn 40 triệu nhuyễn thể một ngày.
Giả thuyết trước đây cho rằng khi tổ tiên cá voi di chuyển từ đất liền xuống biển cách đây khoảng 50 triệu năm, chúng bắt đầu lớn dần sau khi được giải phóng khỏi ảnh hưởng của trọng lực trên đất liền. Nhưng giả thuyết này thiếu chứng cứ vững chắc. Giờ đây, các nhà khoa học có thể giải mã bí ẩn và họ phát hiện nguyên nhân là do đại dương lạnh hơn. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B.
Phân tích 63 loài cá voi tuyệt chủng cho thấy cá voi tấm sừng bắt đầu trở nên khổng lồ cách đây khoảng 4,5 triệu năm trong thời kỳ băng hà kéo dài. Vài loài không liên quan bắt đầu quá trình tiến hóa theo hướng khổng lồ quanh khoảng thời gian đó một cách độc lập với nhau, chứng tỏ nguyên nhân chính là yếu tố môi trường.
Đại dương lạnh hơn ảnh hưởng tới những dòng dưỡng chất ở rìa các lục địa khiến động vật phù du, nguồn thức ăn của cá voi tấm sừng, tụ tập thành những đàn dày đặc hơn để tận dụng những điểm giàu dinh dưỡng. Những con cá voi lớn hơn có thể ăn các đàn động vật phù du lớn dày đặc hiệu quả hơn nhiều so với cá voi nhỏ. Đây là động lực thúc đẩy cơ thể chúng tiến hóa thành kích thước lớn hơn. Nhưng đặc điểm này ngày nay có thể khiến cá voi tấm sừng gặp rủi ro.
"Cá voi xanh là động vật chuyên ăn loài nhuyễn thể. Nếu có bất kỳ điều gì tác động tới loài nhuyễn thể như axit hóa đại dương, cá voi xanh cũng sẽ chịu ảnh hưởng", Nicholas Pyenson, tác giả chính của nghiên cứu ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Smithsonian cho biết.
Phương Hoa