Thứ tư, 15/1/2025
Thứ bảy, 3/8/2024, 12:20 (GMT+7)

Thám hiểm lòng hố sụt trong công viên địa chất Non Nước

Cao BằngHố sụt Canh Cảo, Công viên địa chất toàn cầu Non Nước, là điểm đến mới được dân yêu thích thám hiểm quan tâm gần đây vì "kỳ quan thiên nhiên tuyệt đẹp".

Hố sụt Canh Cảo sâu 150 m, được hình thành từ sự sụp đổ trần của một hang động lớn. Hố sụt ẩn mình trong Công viên Địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng - nơi được UNESCO công nhận năm 2018.

Theo Trung tâm văn hóa huyện Hòa An, hố sụt mới được khám phá và đưa vào khai thác du lịch mạo hiểm năm 2023 sau hơn hàng triệu năm nằm ngủ yên trong rừng sâu của Cao Bằng.

Phạm Văn Mạnh, 30 tuổi, quê ở Hải Dương, cho biết anh cùng nhóm bạn từng đến thám hiểm hố sụt Canh Cảo tháng 12/2022 (ảnh). Theo anh, hố sụt Canh Cảo là khu vực còn hoang sơ, chưa được khai thác du lịch đại trà.

Chuyến đi tới hố sụt Canh Cảo lúc ấy với Mạnh rất tình cờ. Khi tới khu vực hồ Thang Hen thám hiểm, Mạnh nghe người dân kể gần hồ có một hố sụt sâu và to, ít người có thể tiếp cập được. Với đam mê thám hiểm, nhóm anh quyết định tổ chức chuyến khám phá.

Thời tiết tại Cao Bằng lúc đó khá lạnh khiến việc thám hiểm khó khăn. Mạnh và nhóm trekking 3 km đường rừng trong khu bảo tồn thiên nhiên hồ Thang Hen để tới được miệng hố.

Tháng 2 năm nay, Mạnh cùng nhóm bạn quyết định quay lại hố sụt Canh Cảo.

Nhóm anh thiết lập hệ thống dây neo an toàn và thả dây để xuống thám hiểm. Mỗi thành viên trong đoàn đều phải mang thiết bị chuyên dụng gồm: mũ bảo hiểm, đai thám hiểm, thiết bị đi xuống và đi lên trên dây cùng các loại móc khóa an toàn để đảm bảo cho việc đu dây Abseiling xuống hố.

Abseiling là động tác di chuyển theo dây từ trên xuống, có thể từ vách núi, hố sụt hay hang động thông qua sử dụng các thiết bị an toàn. Theo anh, chiều cao Abseiling lần này khoảng hơn 80 m từ trên đỉnh xuống đáy hố sụt.

Khi xuống tới nơi, anh choáng ngợp trước hệ thống hang vòm lớn trong lòng đất, nhiều ngách dẫn đến những lối ra khác nhau. Đáy hố sụt cũng là một hệ sinh thái rừng nguyên sinh với nhiều loại cây dương xỉ, đoác (họ dừa) khiến Mạnh cảm thấy "như lạc vào thời tiền sử".

Hố sụt thuộc một phần trong hệ thống núi đá vôi của Công viên địa chất, trong lòng hố có nhiều hang vòm, trần đá vôi và các cột thạch nhũ.

Đi theo ánh sáng Mặt Trời chiếu trong hang, nhóm của Mạnh ra ngoài cũng là lúc trời vừa tối. "Cảm giác thoả mãn khi vượt qua được thử thách bản thân", Mạnh nói.

Ngoài hệ sinh thái rừng nguyên sinh và hang dưới đáy hố sụt, với Mạnh, trải nghiệm đu dây từ trên đỉnh xuống cũng như lúc lơ lửng trên dây giữa hố khiến anh khó quên. "Rất đáng để thử một lần trong đời", Mạnh nói.

Nhóm của Mạnh hoàn thành chuyến thám hiểm trong ngày.

Anh nhấn mạnh hành trình chinh phục hố sụt Canh Cảo khó và đầy thách thức, chỉ dành cho những người có kinh nghiệm, biết sử dụng các thiết bị thám hiểm an toàn.

Sau chuyến khám phá Canh Cảo, nhóm du khách dừng chân nghỉ ngơi và chiêm ngưỡng cảnh quan bên ngoài hố sụt. Mạnh cho biết du khách có thể trải nghiệm thêm hoạt động chèo SUP trong hồ Thang Hen và thám hiểm hang ngầm gần đó, đi xuyên núi thám hiểm hang Kỳ Rằng, khám phá thung lũng núi Mắt Thần.

Cảnh sắc thiên nhiên có suối, rừng nhìn gần hố sụt.

Nếu muốn trải nghiệm, du khách nên đi theo đoàn đông người hay các tour để đảm bảo an toàn, có hướng dẫn viên hiểu địa bàn hướng dẫn. Bên cạnh đó, du khách cần luyện tập thể lực trước chuyến đi, nên có kinh nghiệm trekking, leo núi, đu dây có thiết bị an toàn, chuẩn bị quần áo phù hợp, giày trekking.

Mạnh lưu ý do hố sụt Canh Cảo chưa có dịch vụ du lịch phát triển, du khách cần chuẩn bị đầy đủ thức ăn, nước uống cho quá trình khám phá.

Thời gian đẹp nhất để ghé thăm, khám phá nơi này là khoảng tháng 10 đến tháng 4 năm sau. Dù toàn bộ thung lũng được bao quanh thảm cỏ xanh biếc, nhưng khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 9 hằng năm thường có mưa, đường trơn trượt và ẩm ướt tiềm ẩn nguy hiểm.

An Vy

Ảnh: Phạm Văn Mạnh

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net