Khi tôi trở lại làm việc và tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì về già có được hưởng lương hưu hay không?
Luật sư tư vấn
Theo khoản 5 điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, thời gian đóng bảo hiểm xã hội là thời gian được tính từ khi người lao động bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội cho đến khi dừng đóng. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.
Bạn tham gia bảo hiểm xã hội không liên tục (bị gián đoạn do Covid-19) thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội của bạn là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Do đó, khi về già bạn vẫn được hưởng lương hưu nếu thỏa mãn các điều kiện do pháp luật quy định.
Căn cứ điểm a khoản 2 điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, trường hợp lao động nam nghỉ hưu từ năm 2021 đóng bảo hiểm xã hội đủ 19 năm, từ năm 2022 trở đi đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm thì mức lương hưu hằng tháng bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội. Sau đó, cứ thêm một năm đóng bảo hiểm xã hội thì tăng thêm 2% tiền lương nhưng mức tối đa là 75%.
Căn cứ điểm b khoản 2 điều 56 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, trường hợp lao động nữ nghỉ hưu đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm thì mức lương hưu hằng tháng bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội. Sau đó, cứ thêm một năm đóng bảo hiểm xã hội thì tăng thêm 2% tiền lương nhưng mức tối đa là 75%.
Căn cứ điều 58 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần. Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Luật sư Phạm Thanh Hữu
Đoàn luật sư TP HCM