Ngày 15/3, trao đổi với báo chí về dự thảo Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ, bà Nguyễn Thị Kim Thoa (Vụ trưởng Vụ pháp luật hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp) cho rằng, Bộ Công an đang trong giai đoạn lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo. "Khi nào họ hoàn thiện, gửi dự thảo sang lúc đó Bộ Tư pháp sẽ lập tổ thẩm định và nêu rõ chính kiến của mình về những quy định nêu trong đó", bà Thoa nói.
Trong khi đó, một lãnh đạo Bộ Tư pháp bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến quy định cho phép người thi hành công vụ được nổ súng đề cập trong dự thảo. Vị này cho rằng, những vấn đề báo chí phản ánh về dự thảo, nhất là quy định cho phép người thi hành công vụ được nổ súng là rất kịp thời. "Tôi đã yêu cầu các đơn vị trong Bộ lưu ý dự thảo trên, khi Bộ Công an gửi sang phải thẩm định chặt chẽ theo đúng quy định", ông cho hay.
Nói thêm về quy định liên quan tới các trường hợp được nổ súng, vị lãnh đạo Bộ Tư pháp cho rằng, về nguyên tắc, nội dung Nghị định mà Bộ Công an đang xây dựng không được phép trái với Pháp lệnh về Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2011 (Pháp lệnh 16). "Nếu trái thì phải chỉnh sửa hoặc bãi bỏ", lãnh đạo này khẳng định.
Theo đánh giá của Bộ Công an, thời gian qua tình trạng chống người thi hành công vụ diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người thi hành công vụ. Trên 90% số vụ vi phạm là chống lại lực lượng công an. Do vậy, tại dự thảo, Bộ Công an đề xuất, nếu cho rằng hành vi chống người thi hành công vụ sẽ gây hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người thi hành công vụ hoặc của người khác hoặc có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì người thi hành công vụ được sử dụng công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật hoặc nổ súng trực tiếp vào người và phương tiện vi phạm để phòng vệ, tấn công, vô hiệu hóa...
Về đề xuất này, luật sư Phạm Thanh Bình cho rằng, các trường hợp được nổ súng vào đối tượng vi phạm đã được quy định trong Pháp lệnh 16. Khái niệm “dấu hiệu” nêu trong dự thảo là quá rộng, mang ý chủ quan. "Nếu cho phép nổ súng ngay chỉ khi mới có dấu hiệu thôi, tôi e sẽ dẫn đến sự tùy tiện, lạm quyền của người thi hành công vụ, xâm phạm trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng, thân thể của công dân, gây bất bình trong dư luận và bất ổn trong xã hội", ông Bình nêu quan điểm.
Theo nhiều luật sư, ở khía cạnh khác, việc nổ súng tác động trực tiếp đến tính mạng người khác, nếu làm sai không gì có thể bù đắp, khắc phục được. Hơn nữa, gần đây một số lực lượng đã được trang bị dùi cui điện, súng bắn đạn cao su…. Đây được cho là những công cụ hỗ trợ có khả năng vô hiệu hóa đối tượng nhưng không xâm phạm đến tính mạng người chống đối.
Nguyễn Hưng