"Cô đang sống ở đâu?", nữ hộ sinh Maike Jansen hỏi khi kiểm tra sức khỏe cho Mary (tên đã được thay đổi), một thai phụ người Ghana đang mang thai 32 tuần. "Tôi không có nơi ở", Mary trả lời. "Lúc tôi sống chỗ này, lúc ở chỗ khác".
"Thật khó khăn nếu cô không có một nơi ở cố định", Jansen trả lời, bày tỏ nỗi thương cảm cho hoàn cảnh của thai phụ. Mary gật đầu, tay siết chặt mẩu khăn giấy.
Cô không có giấy tờ định cư hợp pháp ở Đức, không có tiền, không có chỗ ở cố định, không được bảo vệ và cũng không được chăm sóc y tế, cuộc sống mà theo mô tả của Mary không khác gì "địa ngục".
"Nếu có ai đó làm gì tôi, tôi không được lên tiếng, cũng không thể làm gì họ. Điều duy nhất có thể là im lặng và quên đi", Mary cho hay.
Lý do là cô sợ bị trục xuất khỏi Đức. Những người định cư trái phép ở Đức như Mary sẽ bị truy tố và trục xuất nếu chẳng may bị phát hiện, nên họ luôn phải sống chui lủi nay đây mai đó và tránh gây chú ý, như không đi xe buýt, không tới bệnh viện...
Điều này khiến nhiều người trong số họ không được thăm khám và điều trị kịp thời khi mắc bệnh, hoặc không được theo dõi sức khỏe thai kỳ thường xuyên.
Tuy nhiên, Mary có lẽ đã may mắn hơn những người khác khi nhận được sự giúp đỡ từ Andocken, tổ chức từ thiện được nhà thờ tài trợ ở thành phố Hamburg, phía bắc nước Đức. Quan trọng hơn là ở đây, mọi thông tin của cô sẽ không được tiết lộ với nhà chức trách địa phương.
Mỗi ngày, có nhiều người như Mary tìm đến phòng khám của Andocken để chờ đợi được các bác sĩ đa khoa, sản khoa và nhân viên y tế thăm khám, điều trị miễn phí.
Trong lần thăm khám mới đây, Mary được bác sĩ phụ khoa Teresa Steinmüller chẩn đoán bị huyết áp cao, béo phì, nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Tất cả đang đe dọa tới sức khỏe và sự phát triển của đứa con trong bụng cô.
Theo bác sĩ Steinmüller, cuộc sống bấp bênh không giấy tờ và nỗi sợ bị trục xuất sẽ khiến Mary luôn cảm thấy bất an và căng thẳng, nghiêm trọng hơn là mất ngủ, trầm cảm, và tăng nguy cơ sẩy thai hoặc sinh non.
"Họ luôn phải sống trong nỗi lo sợ thường trực. Họ rất cần sự giúp đỡ, hỗ trợ", bác sĩ Steinmüller cho biết.
Mary chỉ còn một quả thận, nguyên nhân khiến cô không thể trở về Ghana và bị mắc kẹt ở châu Âu. Cô trước đó tới Anh để hiến thận cho một người họ hàng, nhưng người này chết vì phẫu thuật không thành công, để lại cô một mình, bơ vơ không có giấy tờ tùy thân ở châu Âu.
Sau đó, cô tìm đường tới Đức và cuối cùng là thành phố Hamburg. Cuộc sống bất hợp pháp khiến cô không thể tìm được một công việc cố định, thay vào đó là những công việc tạm bợ, bấp bênh với đồng lương ít ỏi.
Việc sống chui lủi còn dẫn tới nhiều hệ quả nghiêm trọng khác như đứa con cô đang mang trong bụng có thể không được chứng sinh khi ra đời. Điều này đồng nghĩa về mặt pháp luật, đứa trẻ chưa được công nhận là con của cô và có nguy cơ bị tách khỏi mẹ trong trường hợp cô bị phát hiện định cư trái phép.
Đứa con của Mary sẽ chỉ được công nhận sau khi chào đời nếu bố đứa bé là người Đức hoặc là cư dân hợp pháp ở Đức và thừa nhận quyền làm cha. Trong trường hợp đó, Mary cũng được cư trú hợp pháp ở Đức cho đến khi đứa trẻ đủ 18 tuổi. Đây là cách duy nhất và cô hy vọng cha đứa bé sẽ đồng ý.
"Tôi cầu Chúa rằng ông ấy sẽ công nhận đứa trẻ là con mình", Mary chia sẻ với Jansen.
Tuy nhiên, cho tới lúc điều đó xảy ra, Mary vẫn phải vật lộn một mình với cuộc sống cơ cực ở Đức. Mary cho biết cô còn một đứa con gái nhỏ đang nhờ họ hàng chăm sóc ở Ghana, nên cô phải cố gắng để có thể trở về với con.
"Tôi phải chiến đấu và sẽ không để bản thân gặp bất cứ nguy hiểm nào, vì tôi còn phải trở về Ghana để chăm sóc con gái tôi", Mary cho biết.
Theo Jansen, câu chuyện của Mary không hiếm gặp, bởi cô và các nhân viên ở tổ chức Andocken đã giúp khoảng 200 phụ nữ có hoàn cảnh như vậy mỗi năm. Họ phần lớn đến từ Ghana và các nước châu Phi khác, số ít khác đến từ châu Á và các nước Mỹ Latinh. Họ không thể trở về quê hương, nhưng cũng không biết tương lai mù mịt ở nơi đất khách quê người rồi sẽ đi về đâu.
Thanh Tâm (Theo DW)