Cooper mang thai lần đầu khi đang làm bảo mẫu tại một khu trượt tuyết ở Pháp. Một tuần sau, cô có biểu hiện ốm nghén nặng, tình trạng nôn mửa trở nên đau đớn và phải quay trở lại Anh. Tại đây, cô được chẩn đoán mắc chứng Hyperemesis Gravidarum (HG), tình trạng hiếm gặp ảnh hưởng đến khoảng 1% phụ nữ, gây nôn mửa dai dẳng quá mức trong thời kỳ mang thai.
Những người mắc bệnh có thể ốm nghén rất nhiều lần mỗi ngày, không thể ăn uống, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống. HG không gây hại cho thai nhi, nhưng nếu phụ nữ bị giảm cân trong thời kỳ mang thai vì tình trạng này, nguy cơ sinh non hoặc em bé nhẹ cân tăng cao.
Vì mắc bệnh HG, Cooper nôn thường xuyên trong suốt 9 tháng, đến nỗi răng cô bắt đầu rụng. Nguyên nhân là dịch nôn chứa axit dạ dày tràn lên miệng thường xuyên, theo thời gian sẽ ăn mòn men răng và răng.
Cooper mất chiếc răng đầu tiên vào khoảng 16 tuần thai. Bác sĩ sau đó thông báo cô cần nhổ những chiếc răng còn lại vì chúng đã hư tổn quá nhiều. 6 tháng sau sinh con trai Zachary, Cooper nhổ toàn bộ răng.
Cooper có thêm hai con nữa là Ollie, hiện đã ba tuổi và Oakley, 11 tháng. Cô cho biết tình trạng HG biến mất khi em bé chào đời, tuy nhiên quay lại vào tất cả những lần mang thai tiếp theo.
"Chế độ ăn uống khi có thai của tôi không được lành mạnh vì bị căn bệnh. HG hạn chế lượng thức ăn nạp vào cơ thể, tôi không ăn nhiều thịt nữa mà chủ yếu ăn rau", cô nói. Hiện Cooper phải đeo răng giả, gây bất tiện trong sinh hoạt.
Thông thường, triệu chứng ốm nghén sẽ dừng lại hoặc cải thiện vào tuần 16 đến 20. Tuy nhiên, HG khiến biểu hiện nôn nao kéo dài đến khi em bé chào đời. Các triệu chứng của HG gồm buồn nôn dai dẳng, nghiêm trọng, mất nước, sụt cân và huyết áp thấp. Mất nước làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, huyết khối tĩnh mạch sâu, nhưng trường hợp này rất hiếm.
Hiện không rõ nguyên nhân gây tình trạng này. Một số chuyên gia cho rằng nó liên quan đến sự thay đổi nội tiết tố suốt thai kỳ. Nhiều bằng chứng cho thấy bệnh di truyền trong gia đình. Phụ nữ bị HG trong lần mang thai đầu có khả năng lặp lại triệu chứng trong những lần tiếp theo.
Bác sĩ thường điều trị tình trạng này bằng thuốc chống ốm nghén, vitamin B6, B12 và steroid. Một số phụ nữ phải nhập viện để truyền dịch nếu không thể kiểm soát cơn buồn nôn bằng thuốc tại nhà.
Thục Linh (Theo Independent)