Chụp cộng hưởng từ, mổ nội soi cho thai phụ
Trung tâm Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM vừa tiếp nhận thai phụ Nguyễn Thị Anh (33 tuổi, TP HCM, thai 26 tuần) bị đa chấn thương do té ngã khi dắt xe. Chấn thương khá nặng nhưng thai phụ cố gắng chịu đau đến hai tuần không đi thăm khám vì lo dịch bệnh Covid-19 và ngại chụp X-quang xương ảnh hưởng đến thai nhi.
Thay vì chụp X-quang như thông thường, chị Anh được chụp cộng hưởng từ (MRI) thế hệ mới. Tiến sĩ, bác sĩ Tăng Hà Nam Anh - Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, trong các trường hợp gãy xương, hình ảnh MRI không đủ để phát hiện tất cả tổn thương vùng xương. Tuy nhiên, với trường hợp gãy xương ở thai phụ, chụp MRI hữu ích nhất vì nó cho phép bác sĩ đánh giá một phần các xương gãy và cả tổn thương phần mềm kèm theo. Phương pháp chẩn đoán hình ảnh này không ảnh hưởng đến thai nhi.
Kết quả MRI cho thấy, chị Anh bị gãy xương mâm chày, bong điểm bám dây chằng chéo trước và tổn thương sụn chêm nhỏ bên trong khớp gối.
Theo bác sĩ Nam Anh, nếu không phẫu thuật ngay, thai phụ sẽ càng đau nhiều, mảnh xương gãy bị di lệch có thể làm khớp gối hư hỏng nặng, có thể không thể đi lại được trong suốt thời gian mang thai còn lại. Trường hợp nếu chờ sinh xong mới mổ, các điểm xương gãy khả năng sẽ liền ở tư thế xấu, nguy cơ hỏng khớp gối rất cao.
Qua hội chẩn liên chuyên khoa, các bác sĩ đánh giá tình trạng thai nhi, thai phụ và quyết định mổ ít xâm lấn với kỹ thuật nội soi hiện đại. Các bác sĩ đã nắn chỉnh xương cho bệnh nhân qua một đường rạch rất nhỏ, luồn nẹp vào mặt trong của cẳng chân, bắt vít cố định xương và đính lại điểm bám của dây chằng chéo trước.
Bác sĩ Nam Anh cho biết, với người bình thường, máy C-arm sẽ chụp X-quang liên tục trong quá trình mổ để kiểm tra các vị trí nắn chỉnh. Với thai phụ, máy C-Arm chỉ được sử dụng để kiểm tra tình trạng xương trước mổ và sau khi đặt nẹp vít. Máy C-Arm thế hệ mới với tia phóng xạ được giảm xuống tối thiểu, đồng thời, toàn bộ vùng bụng của thai phụ được che chắn bằng áo chì ngăn tia X ảnh hưởng đến thai nhi. Trong suốt quá trình phẫu thuật, bác sĩ Sản khoa cũng đồng hành theo dõi sức khỏe của mẹ và đánh giá tình trạng của bé.
Sau 30 phút phẫu thuật, bác sĩ đánh giá thể trạng thai phụ tốt, các mặt khớp được nắn hoàn chỉnh, xương gãy đã được sắp xếp lại như ban đầu. Trong vòng 24-48 giờ sau mổ, sản phụ được siêu âm kiểm tra sức khỏe thai, nhằm đảm bảo ổn định, không gặp biến chứng; hướng dẫn thai phụ theo dõi các cử động thai. Dự kiến trong 3 tháng chờ sinh con, chị Anh có thể phục hồi chức năng để tự đi lại, vận động như bình thường.
Thai phụ ngã cần được điều trị chấn thương sớm
Thai phụ bị té ngã, gặp chấn thương không phải hiếm trong sinh hoạt hàng ngày. Khi ngã, chấn thương, thai phụ cần đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám thai sản và điều trị chấn thương kịp thời.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Bá Mỹ Nhi - Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, khuyên thai phụ không được trì hoãn quá lâu hoặc chỉ khi tình trạng đau nặng hơn mới đi khám. Như thế sẽ bỏ lỡ giai đoạn điều trị tích cực và hữu hiệu. Sự chậm trễ không những gây hậu quả xấu đến khả năng vận động lâu dài của mẹ, mà còn có khả năng ảnh hưởng đến thai kỳ.
Bác sĩ Mỹ Nhi cho biết thêm, phụ nữ mang thai bị ngã, chấn thương có thể sẽ gặp phải một số biến chứng như bong nhau thai, gãy xương, chấn thương phần mềm, tổn thương sọ thai nhi, sẩy thai, sinh non... Thời điểm 3 tháng cuối, thai phụ bị ngã có khả năng xuất hiện dấu hiệu vỡ ối, xuất huyết âm đạo, đau bụng, có cơn đau co bóp tử cung, không cảm nhận chuyển động thai nhi...
Bác sĩ Mỹ Nhi khuyên thai phụ tuyệt đối không được chủ quan khi bị ngã, gặp chấn thương. Trong tình huống đó, thai phụ cần ở yên tại chỗ, kêu gọi sự giúp đỡ từ người xung quanh, không cố gắng đứng dậy. Nếu vắng người, chị em cần chờ cơ thể ổn định mới ngồi dậy nhẹ nhàng, gọi điện thoại báo tin cho người thân tới trợ giúp hoặc bật âm thanh báo động kêu gọi sự trợ giúp.
Khi nhập viện, thai phụ cần thông báo đầy đủ tình trạng mang thai, đặc biệt lưu ý vấn đề chụp X-quang. Thai phụ và người nhà nên chọn lựa các cơ sở y tế đa khoa có cả bác sĩ Chấn thương chỉnh hình và bác sĩ Sản khoa để có thể điều trị song song và theo dõi tích cực.
Tên nhân vật đã được thay đổi
Ngọc An (Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh)