Trả lời:
Theo bác chia sẻ, con dâu bác bị té, trật cổ chân. Trường hợp của chị có khả năng chỉ bị nhẹ, bong gân cổ chân. Bác có thể cho chị nằm nghỉ, kê cao chi và chườm lạnh. Điều này sẽ hỗ trợ giảm đau cho thai phụ rất tốt.
Tuy nhiên, một số trường hợp trật cổ chân thường dễ dẫn tới tình trạng gãy mắt cá chân. Bác nên đưa chị đến các cơ sở y tế gần nhất để tiến hành xét nghiệm chụp X-quang. Khi chụp X-quang, người nhà nên nói rõ với bác sĩ về tình trạng thai kỳ của chị. Bác sĩ sẽ có những biện pháp che chắn vùng bụng cho thai phụ bằng áo chì phản quang.
Tương tự trường hợp con dâu của bác, tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, chúng tôi vừa tiếp nhận trường hợp thai phụ mang thai 26 tuần, bị té gãy xương mâm chày và tổn thương sụn chêm nhỏ bên trong khớp gối. Các bác sĩ quyết định không chụp X-quang, chỉ chụp MRI. Vì phương pháp chẩn đoán hình ảnh này cho phép bác sĩ đánh giá một phần các xương gãy và cả tổn thương phần mềm kèm theo, nhất là không để tia X Quang gây ảnh hưởng xấu đến thai nhi.
Ngay lập tức, hội chẩn liên chuyên khoa Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và Trung tâm Sản Phụ khoa được kích hoạt. Các chuyên gia đầu ngành liên khoa đã tỉ mỉ, cẩn trọng đánh giá tình trạng thai nhi, tình trạng dọa sinh non và đưa ra các kịch bản phẫu thuật. Phương pháp mổ ít xâm lấn với sự hỗ trợ của kỹ thuật nội soi hiện đại được lựa chọn nhằm đảm bảo an toàn cho cả hai mẹ con.
Ca phẫu thuật diễn ra thành công, thể trạng thai phụ tốt, tất cả các mặt khớp đều được nắn hoàn chỉnh, xương gãy đã được sắp xếp như ban đầu. Sau phẫu thuật, người mẹ trẻ xuất viện với khớp gối bình thường. Dự kiến trong 3 tháng chờ sinh con, thai phụ có thể phục hồi chức năng để tự di chuyển, vận động như bình thường.
Khi bị té ngã trong thai kỳ, thai phụ cần đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị chấn thương kịp thời, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm. Chúc con dâu của bác mau bình phục và luôn vui khỏe!
THS.BS.CKI Lê Đình Khoa
Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM