Ngày 2/8, BS.CK2 Trần Thanh Linh, Trưởng Khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết bệnh nhân mang thai 9 tuần, được chuyển đến viện hai tuần trước tình trạng huyết áp không đo được, sốc, suy hô hấp. Bệnh nhân được đặt nội khí quản, thở máy và hồi sức sốc, duy trì thuốc vận mạch liều cao.
Bác sĩ nghi bệnh nhân bị thuyên tắc phổi, siêu âm tim tại giường ghi nhận thất phải giãn to, CT Scan thấy nhiều huyết khối lớn ở phổi. Bệnh nhân được can thiệp ECMO, đồng thời bệnh viện hội chẩn cùng bác sĩ sản khoa từ Bệnh viện Hùng Vương.
BS.CK2 Nguyễn Huỳnh Nhật Tuấn, Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh, cho biết nếu bệnh nhân dùng thuốc tiêu sợi huyết toàn thân đường tĩnh mạch sẽ nhiều tác dụng phụ, có thể gây chảy máu không kiểm soát được, nguy cơ cho thai nhi rất cao. Do đó, bác sĩ buộc phải can thiệp tái thông, đưa ống thông vào động mạch để lấy huyết khối trong khoảng 3 giờ.
"Ê kíp vừa can thiệp cho bệnh nhân vừa phải che chắn thai nhi rất cẩn thận để không bị ảnh hưởng", bác sĩ Tuấn nói. Kỹ thuật can thiệp tái thông điều trị thuyên tắc phổi được bệnh viện thực hiện từ lâu, tỷ lệ thành công trên 90%, song đây là ca đầu tiên can thiệp trên bệnh nhân có thai lại đang chạy ECMO.
Sau can thiệp, thai phụ được phẫu thuật tim đặt Catheter Swan-ganz (ống thông động mạch phổi) để theo dõi áp lực trung bình động mạch phổi và đánh giá chức năng tim liên tục qua hệ thống monitoring. Bác sĩ sản khoa ở Bệnh viện Hùng Vương phối hợp đặt thuốc dưỡng thai, bảo vệ an toàn cho thai nhi. 4 ngày sau, bệnh nhân được rút nội khí quản, cai ECMO, hiện tỉnh táo, huyết áp ổn định, thai nhi phát triển thuận lợi, có thể xuất viện và tiếp tục điều trị thuốc kháng đông, theo dõi sát thai kỳ.
Theo bác sĩ Linh, các ca thuyên tắc phổi chủ yếu ở bệnh nhân nằm lâu sau mổ, người ung thư, xơ vữa mạch máu, đái tháo đường... Phụ nữ mang thai sinh nở gặp tình trạng này do thay đổi sinh lý gây tăng đông, thường vào các tháng cuối thai kỳ và sau sinh. Với bệnh nhân trên, mang thai lại nẹp chân hạn chế đi lại nên hình thành huyết khối tĩnh mạch sâu từ chân, di chuyển lên phổi gây thuyên tắc.
Để ngăn tái phát, bệnh nhân được đặt lưới lọc tĩnh mạch chủ dưới. BS.CK2 Lý Ích Trung, Phó khoa Tim mạch can thiệp, cho biết lưới lọc có tác dụng ngăn chặn huyết khối từ dưới trôi lên phổi, bảo vệ mẹ và bé tốt hơn. Huyết khối thai kỳ thường diễn tiến từ lúc mang thai đến sau sinh 6 tuần, sau này nếu hết nguy cơ có thể lấy lưới lọc ra khỏi cơ thể.
Các bác sĩ khuyến cáo cảnh giác với các triệu chứng khó thở, choáng váng, đau ngực, đặc biệt với người có yếu tố nguy cơ cao. Bệnh diễn tiến âm thầm từ lâu nhưng không biểu hiện triệu chứng, cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ. Thai phụ bị đau nhức, sưng chân, chấn thương nên hạn chế vận động, cần siêu âm mạch máu tầm soát huyết khối để điều trị dự phòng thuyên tắc phổi.
Lê Phương