Đây là lần mang thai đầu của cô, gần 36 tuần thai. Bệnh nhân vào viện sáng 4/3, bác sĩ cấp cứu xác định chưa chuyển dạ, có dấu hiệu tiền sản giật nặng, cho thở oxy, điều chỉnh huyết áp.
Sau 10 phút nhập viện, thai phụ đột ngột lên cơn co giật, tím tái toàn thân, huyết áp không đo được, mạch không bắt được. Các bác sĩ hồi sức tích cực, đặt nội khí quản, ấn tim ngoài lồng ngực, tiêm thuốc adrenalin. Nhận định bệnh nhân sản giật nặng, nguy kịch, nếu không can thiệp phẫu thuật kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng cả mẹ và con, ê kíp kích hoạt báo động đỏ liên viện với Từ Dũ.
Sau hai phút hồi sức tích cực, thai phụ có nhịp tim trở lại, huyết áp tăng cao, được chuyển mổ. Ê kíp y bác sĩ Từ Dũ đến nơi hỗ trợ phẫu thuật khẩn cấp. Bé trai chào đời nặng 2,5 kg, được đặt nội khí quản, cho thở oxy và hồi sức tích cực. Sản phụ được thắt động mạch tử cung hai bên, khâu ép tử cung để cầm máu. Các bác sĩ quyết định nỗ lực bảo tồn tử cung vì thai phụ còn trẻ.
Sau khoảng 1,5 giờ, tình trạng bé sơ sinh tạm ổn, được chuyển về Khoa Hồi sức sơ sinh, Bệnh viện Từ Dũ để chăm sóc. Hiện, sức khỏe sản phụ ổn, không còn chảy máu, được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Quận 7.
Sản giật là biến chứng nặng của sản khoa, có thể gây xuất huyết não, suy hô hấp, suy đa tạng và tử vong nếu không xử trí kịp thời và phối hợp đa chuyên khoa phù hợp. Sản giật thường đi sau tiền sản giật, được đặc trưng bởi huyết áp cao xảy ra trong thai kỳ.
Để phòng ngừa sản giật cũng như các biểu hiện bất thường khác, bà bầu cần khám thai định kỳ và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ.
Lê Phương