Chính phủ Thái Lan đã công bố một kế hoạch quy mô lớn nhằm chuyển đổi hạ tầng giao thông của đất nước, đưa Thái Lan trở thành trung tâm logistics quan trọng ở Đông Nam Á thông qua một loạt các dự án khổng lồ trải dài trên các phương thức vận tải đường bộ, đường biển và đường hàng không.
Phát biểu tại buổi tọa đàm "Go Thailand 2025 Women Run the World" do Thansettakij tổ chức mới đây với chủ đề "Cổng hàng không toàn cầu: Thái Lan trở thành trung tâm hàng không thế giới", Thứ trưởng Bộ Giao thông Thái Lan, bà Manaporn Charoensri, đã phác thảo tầm nhìn chiến lược của chính phủ.
Bà Manaporn nhấn mạnh: "Vị trí địa lý của Thái Lan mang đến cho chúng tôi cơ hội độc nhất để trở thành điểm trung chuyển trung tâm của Đông Nam Á".
Kế hoạch tổng thể của Bộ Giao thông bao gồm việc phát triển các cảng biển, sân bay mới và một dự án cầu đất đột phá, hứa hẹn sẽ cách mạng hóa các tuyến vận tải biển trong khu vực.
"Chúng tôi đang đầu tư vào hạ tầng trên cả bốn phương thức vận tải: đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không", bà nói.
Những phát triển quan trọng bao gồm việc xây dựng ba cảng biển mới và hai sân bay mới, đặc biệt chú trọng đến việc tạo ra các bến du thuyền chuyên dụng tại Pattaya, Phuket và Koh Samui. Chính phủ kỳ vọng các bến cảng này có thể giúp doanh thu từ du thuyền hạng sang tăng gấp 7, 8 lần.
Bà Manaporn chỉ ra rằng, mặc dù Thái Lan đã là điểm đến hàng đầu thế giới trong suốt 10 năm qua và giành giải thưởng "Điểm đến của năm 2025", quốc gia này vẫn chưa phát huy hết tiềm năng để trở thành một trung tâm du lịch thực sự.
Theo thống kê, Thái Lan hiện có số lượng du thuyền hạng sang cập cảng đứng thứ ba trong khu vực, với tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 14%. Tuy nhiên, nước này vẫn thiếu một bến cảng du thuyền chuyên biệt, khiến các tàu thường phải cập cảng Bangkok, cảng Laem Chabang, cảng Koh Samui và cảng Phuket, gây bất tiện cho du khách.
"Chúng tôi cần xây dựng một bến cảng du thuyền mới để giúp ngành du lịch trở thành động lực thúc đẩy nền kinh tế Thái Lan trong tương lai", bà nói.
![Dự án cầu đất liền tại các tỉnh Chumphon và Ranong. Ảnh: Nation Thailand](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/05/Untitled-1738740641-1483-1738741408.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=lscV2fwkhmvpwGUkxEfimg)
Dự án cầu đất liền tại các tỉnh Chumphon và Ranong. Ảnh: Nation Thailand
Dự án cầu đất liền tại các tỉnh Chumphon và Ranong là một sáng kiến mang tính đột phá. Bằng cách kết nối mạng lưới đường sắt, dự án này kỳ vọng sẽ giúp giảm chi phí vận tải 15-20% và rút ngắn thời gian trung chuyển từ bốn đến năm ngày, mở ra cơ hội đưa Thái Lan trở thành một trung tâm vận tải biển toàn cầu mới.
Về vận tải hàng không, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo đến năm 2035, sẽ có khoảng 240 triệu hành khách di chuyển bằng đường hàng không tới Thái Lan. Để đáp ứng nhu cầu này, chính phủ đang lên kế hoạch mở rộng sân bay Suvarnabhumi và phát triển các sân bay quốc tế mới tại Chiang Mai, Phuket, cùng hai địa điểm khác: sân bay Lanna ở phía Bắc và sân bay Andaman ở phía Nam.
Bà Manaporn nhấn mạnh: "Chúng tôi hướng tới việc tạo ra cơ hội tăng trưởng kinh tế bền vững, thu hút đầu tư quốc tế và cuối cùng là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Thái Lan".
Các dự án này đang được triển khai trong bối cảnh Thái Lan mong muốn tận dụng vị trí chiến lược của mình tại trung tâm Đông Nam Á.
Dù có lợi thế địa lý vượt trội, Thái Lan vẫn chưa khai thác tối đa tiềm năng này. Chính phủ hy vọng rằng các khoản đầu tư vào hạ tầng giao thông sẽ giúp biến Thái Lan thành một điểm trung chuyển quan trọng cho cả du lịch và thương mại khu vực cũng như toàn cầu.
"Nếu Thái Lan phát triển thành một trung tâm vận tải, du khách từ khắp nơi trên thế giới khi đến Đông Nam Á sẽ đi qua Thái Lan trước khi đến điểm đến cuối cùng. Tương tự, hàng hóa cũng sẽ được trung chuyển qua mạng lưới giao thông của Thái Lan đến các quốc gia khác trong khu vực", bà Manaporn kết luận.
Ngọc Minh (theo Nation Thailand)