Theo Bloomberg ngày 19/7, khi được hỏi về đổi mới động cơ tăng trưởng kinh tế, Bộ trưởng Giáo dục Thái Lan Teerakiat Jareonsettasin thẳng thắn thừa nhận: "Chúng tôi thậm chí không thể tạo ra một chiếc xe máy".
Trong cuộc phỏng vấn, Bộ trưởng Giáo dục thứ 20 với 17 năm đứng đầu ngành giáo dục chỉ ra những thiếu sót trầm trọng khiến Thái Lan không thể bắt kịp các nước khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Ông đang cố gắng thu hẹp khoảng cách bằng chiến lược nâng cao tự chủ cho các trường học và giáo viên, tiếp tục tập trung vào những lĩnh vực là thế mạnh truyền thống, như: thực phẩm, chăm sóc sức khỏe và du lịch.
Teerakiat nhận xét điểm số PISA của học sinh Thái Lan ở môn Toán, Khoa học và Đọc hiểu giảm mạnh kể từ cuộc khảo sát năm 2012, thấp hơn mức trung bình quốc tế. "Chúng tôi làm gì cũng không đạt hiệu quả", ông nói về những nỗ lực cải cách giáo dục trong quá khứ.
Theo kết quả đánh giá học sinh quốc tế của chương trình PISA thực hiện 3 năm một lần, Thái Lan chỉ xếp thứ 54/70, mặc dù ngành giáo dục tiêu tốn 2,73 nghìn tỷ baht (81 tỷ USD) hàng năm, tương đương 1/5 ngân sách. Singapore dẫn đầu bảng xếp hạng PISA ở cả ba môn. Việt Nam xếp thứ 8 về Khoa học, trong khi Nhật Bản, Đài Loan, Macau (Trung Quốc) đều lọt top 10.
Kể từ khi lên nắm quyền cách đây ba năm, chính quyền quân sự Thái Lan triển khai chính sách "Thái Lan 4.0", đặt trọng tâm vào thúc đẩy đổi mới và các ngành công nghiệp tiên tiến. Một lĩnh vực trọng tâm là phát triển công nghiệp dọc theo bờ biển phía đông, bao gồm kế hoạch chi 619 triệu baht để hỗ trợ đào tạo nghề. Bộ trưởng Công nghiệp Uttama Savanayana đánh giá việc nâng cao kỹ năng lao động là rất quan trọng trong dự án hành lang kinh tế phía đông trị giá 45 tỷ USD.
Với việc dân số trong độ tuổi lao động sẽ giảm còn khoảng 11% vào năm 2040, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Đông Nam Á Ulrich Zachau nhận định: "Thách thức về giáo dục và đào tạo kỹ năng đặc biệt cấp bách. Một mặt, Thái Lan đang nhanh chóng già đi; mặt khác, nhu cầu công nhân lành nghề đang tăng mạnh trong một thế giới phát triển công nghệ hơn bao giờ hết".
Học sinh học vẹt, thiếu tư duy sáng tạo
Mức độ số hóa và sự thâm nhập của Internet giúp Thái Lan trở thành điểm đến hấp dẫn của các công ty công nghệ thông tin, theo Anip Sharma, phó chủ tịch phụ trách khu vực Đông Nam Á của cơ quan tư vấn giáo dục toàn cầu Parthenon-EY. "Tuy nhiên, đây không phải là nơi tuyệt vời để phát triển một sản phẩm", ông nói. Một trong những vấn đề lớn nhất là trình độ tiếng Anh - kỹ năng cốt lõi khi thực hiện chuyển đổi trong thời đại kỹ thuật số.
Nhà phát triển phần mềm kỳ cựu ở Thái Lan, ông Panutat Tejasen cho biết hầu hết sinh viên tốt nghiệp sử dụng phương pháp học vẹt, do đó thiếu kỹ năng tư duy phản biện cần thiết để phát triển các giải pháp phần mềm sáng tạo.
Công ty Art and Technology của Tejasen hiện thuê hơn 200 kỹ sư thiết kế phần mềm và phải trả 6 tháng lương cho mỗi nhân viên mới mà không nhận lại được lợi ích kinh doanh nào. "Chúng tôi trả tiền chỉ để dạy họ cách viết chương trình phần mềm có thể sử dụng được trước khi họ làm việc và kiếm tiền cho công ty", ông nói.
Natavudh Pungcharoenpong, chủ nhà xuất bản sách điện tử Ookbee có trụ sở tại Bangkok, đổ lỗi tư duy lỗi thời khiến công việc kinh doanh của ông trì trệ.
Việt Nam tốt hơn?
Sharma của Parthenon-EY chỉ ra các nước lân cận như Việt Nam đang làm tốt hơn trong việc khuyến khích tư duy mới, mặc dù kinh tế kém hơn. Theo ông, lịch sử chính trị phức tạp của Thái Lan không có lợi cho việc khuyến khích cải cách hệ thống giáo dục.
"Chúng ta có 20.000 quan chức không dạy học nhưng đang điều hành các trường. Con số này chỉ là 70 trong bộ giáo dục của Việt Nam", Bộ trưởng Teerakiat trả lời một cuộc phỏng vấn ngày 12/7, ám chỉ một trong những trở ngại chính đối với cải cách có thể chính là Bộ Giáo dục.
Bộ trưởng Giáo dục Thái Lan Teerakiat Jareonsettasin. |
Nạn tham nhũng cũng là vấn đề đáng chú ý. "Nếu tôi là một trong những chính trị gia trước đây, tôi sẽ là người giàu nhất trong tháng này", ông nhắc đến việc Bộ trưởng Giáo dục có quyền quyết định 4 tỷ baht ngân sách chưa được sử dụng.
Ông cho biết một chiến lược từ dưới lên cho phép các trường học, bao gồm cả đại học tự đưa ra các quyết định. Nguyên tắc này cũng nên áp dụng cho đào tạo giáo viên bởi trong quá khứ, việc lập kế hoạch cứng nhắc đã khiến những người muốn cống hiến cho việc dạy học nản chí.
Đầu tháng này, Bộ trưởng Giáo dục Teerakiat công bố một hệ thống chứng thực mới giúp các trường đại học và cao đẳng có thể áp dụng chương trình riêng, đồng thời các giáo viên tiềm năng được tự do lựa chọn lĩnh vực họ muốn được đào tạo. Ông cũng đưa ra kế hoạch thiết lập Bộ Giáo dục Đại học.
"Trang web đào tạo giáo viên thường chỉ có một hoặc hai lượt truy cập, nếu may mắn. Tuy nhiên, riêng ngày 11/7, số lượt truy cập là 28,8 triệu. Khi bạn trao quyền, sử dụng phương pháp tiếp cận từ dưới lên và hủy bỏ kế hoạch tập trung, mọi thứ hoạt động theo cách thật phi thường. Điều này chưa từng xảy ra ở Thái Lan", ông Teerakiat nói.