Chính sách này được ví như "visa Schengen kiểu châu Á". Ở châu Âu, thị thực Schengen giúp du khách có thể di chuyển tự do giữa 27 nước. Thái Lan muốn tận dụng chính sách thị thực chung này để mang đi đàm phán với các nước trong liên minh châu Âu, tiến tới đạt thỏa thuận miễn visa giữa Schengen và nhóm ASEAN này. Nếu sáng kiến thành công, khách du lịch chỉ cần xin visa một trong 6 nước Thái Lan, Việt Nam, Myanmar, Lào, Campuchia, Malayisa là có thể thoải mái di chuyển, tham quan các nước còn lại.
"Thị thực một lần" là sáng kiến tham vọng nhất trong số các sáng kiến thúc đẩy du lịch của Thủ tướng Srettha nhắm đến mục tiêu lâu dài. Hầu hết lãnh đạo 5 nước còn lại phản ứng tích cực với sáng kiến thị thực chung của Thái Lan. 6 quốc gia Đông Nam Á đã đón 70 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023, trong đó, Thái Lan và Malaysia chiếm hơn 50% về lượng khách và doanh thu (48 tỷ USD).
Marisa Sukosol Nunbhakdi, cựu chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Thái Lan, cho biết "thị thực chung" có thể thu hút các khách đường dài đưa ra quyết định đến thăm Đông Nam Á dễ dàng hơn. Marisa cũng cho biết thời hạn của thị thực chung này cần kéo dài 90 ngày thay vì thời hạn 30 ngày như thông thường để "chính sách thêm phần hấp dẫn với khách".
Chính quyền của Thủ tướng Srettha đặt mục tiêu đón 80 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2027, tăng gấp đôi mức cao điểm đạt được của năm 2019. Từ khi lên nắm quyền vào tháng 7/2023, Thủ tướng Thái Lan đã thúc đẩy nhiều chính sách nới lỏng thị thực để hút khách như miễn thị thực song phương với Trung QuốC, miễn thị thực tạm thời cho khách Ấn Độ, Đài Loan, Kazakhastan. Thái Lan cũng cân nhắc mở sòng bạc bên trong các khu du lịch, giải trí lớn để tăng doanh thu. Du lịch là ngành công nghiệp mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho Thái Lan cũng như tạo ra 20% tổng số việc làm. Doanh thu từ du lịch chiếm 12% trong nền kinh tế trị giá 500 tỷ USD của nước này.
Bill Barnett, Giám đốc công ty tư vấn khách sạn C9 Hotelworks tại Bangkok, cho biết dự án thành công sẽ mang lợi ích không chỉ cho khách du lịch mà còn cho khách doanh nhân, thương mại.
Tuy nhiên, theo Thitinan Pongsudhirak, giáo sư tại Đại học Chulalongkorn, thỏa thuận thị thực chung sẽ là "khó khăn và thách thức" vì các nước phải đạt được tiêu chuẩn chung trong chính sách nhập cảnh và nhiều nước trong khối vẫn có thành tích chưa cao trong đón khách quốc tế.
Anh Minh (Theo Bangkok Post)