Cuộc bỏ phiếu bổ sung sẽ diễn ra ngày 27/4 cho những điểm không được mở cửa hôm 2/2, Tổng thư ký Ủy ban Bầu cử Puchong Nutrawong nói với AFP. Một vòng bầu cử sớm khác cũng sẽ được tổ chức trước đó một tuần.
Tuy nhiên, chưa có quyết định dành cho 28 khu vực bầu cử mà người biểu tình chống chính phủ cản trở dẫn đến không có ứng viên nào có thể đăng ký.
Hàng triệu người không thể bỏ phiếu bởi những người biểu tình phong tỏa giao thông và chặn bên ngoài các điểm bỏ phiếu, khiến 10% số điểm bầu cử phải đóng cửa.
Ủy ban Bầu cử cho hay, kết quả bầu cử sẽ chưa được công bố cho đến khi việc bỏ phiếu được tiến hành ở tất cả các điểm.
Bà Yingluck Shinawatra vẫn giữ vai trò thủ tướng tạm quyền tuy nhiên quyền hạn bị hạn chế cho đến khi có đủ 95% của 500 ghế trong hạ viện của quốc hội để chỉ định chính phủ mới.
Phe đối lập ở Thái Lan yêu cầu Tòa án Hiến pháp vô hiệu hóa cuộc bầu cử, một trong những hành động pháp lý chống lại bà Yingluck.
Trong khi đó, Mỹ đã kêu gọi quân đội Thái Lan không nên tiến hành đảo chính để chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị lần này.
Cuộc tổng tuyển cử ở Thái Lan được Thủ tướng Yingluck tổ chức với hy vọng xoa dịu làn sóng biểu tình chống chính phủ bao trùm thủ đô Bangkok suốt ba tháng qua.
Chính phủ của Thủ tướng Yingluck bị phe đối lập cáo buộc tham nhũng, trong khi bản thân bà bị tố là "con rối" của anh trai, cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra. Tỷ phú này sống lưu vong kể từ khi bị lật đổ trong một cuộc đảo chính năm 2006.
Những người biểu tình đòi Thủ tướng tạm quyền Yingluck từ chức và thay thế chính phủ đương nhiệm bằng một hội đồng nhân dân không thông qua bầu cử. Họ muốn xóa bỏ tận gốc ảnh hưởng của gia tộc Shinawatra khỏi chính trường Thái Lan. Tuy nhiên, bà Yingluck từ chối rời vị trí bởi bà được bầu ra từ đa số và cho rằng yêu cầu trên là vi phạm hiến pháp và phi dân chủ.
Vũ Hà