![]() |
Thaksin, người bị lật đổ năm 2006 trong một cuộc đảo chính không đổ máu, sẽ phát biểu tại Mỹ về một số vấn đề, trong đó có các cuộc biểu tình chống chính phủ của phe áo đỏ tại Bangkok. Neil Simon, phát ngôn viên Ủy ban Helsinki, một tổ chức nhân quyền của Mỹ, xác nhận rằng Thaksin sẽ cung cấp bằng chứng về các cuộc biểu tình của phe áo đỏ vào ngày 16/12 tới. Trong lá thư gửi Thaksin, ủy ban này nói rằng "cuộc đàn áp các cuộc biểu tình chính trị đó rất được quan tâm". Phát ngôn viên chính phủ Thái Panitan Wattanayagorn tuyên bố giới chức nước này có quyền hợp pháp yêu cầu dẫn độ Thaksin. "Đây là tiến trình rất bình thường. Theo lẽ thường các nước sẽ tôn trọng hiệp định dẫn độ nhưng có lẽ họ có quy trình và các yêu cầu riêng", ông nói. Cựu tỷ phú truyền thông được mời đến Washinton sau tranh cãi liên quan đến việc dẫn độ ông trùm vũ khí người Nga Viktor Bout. Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva bác bỏ thông tin cho rằng có thỏa thuận trao đổi Thaksin lấy Bout. Thái Lan đã đưa Bout, cựu sĩ quan không lực Nga bị cho là một trong những tay buôn vũ khí lớn nhất thế giới, tới Mỹ hôm 16/11 sau một cuộc đấu tranh pháp lý kéo dài hai năm với ba bên là Thái, Nga, Mỹ. Bộ Ngoại giao Nga chỉ trích mạnh mẽ động thái của Thái, mô tả việc làm này là "bất hợp pháp" còn Thủ tướng Thái hy vọng Nga sẽ không để vụ việc ảnh hưởng đến quan hệ song phương. Cuộc biểu tình rầm rộ của áo đỏ ở Bangkok hồi tháng 4 và tháng 5 bị dập tắt bằng một chiến dịch đàn áp quân sự của chính phủ. Phe áo đỏ Thái, tập hợp của tầng lớp lao động nghèo, cáo buộc chính phủ đương thời thiên vị tầng lớp trên và kêu gọi bầu cử sớm. 91 người thiệt mạng và hơn 1.800 người bị thương trong các cuộc va chạm giữa hai bên. Ngọc Sơn |