
Thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban trong một cuộc tuần hành ở thủ đô Bangkok hôm 4/2. Ảnh: AFP
Xinhua cho hay, lực lượng bắt giữ các thủ lĩnh biểu tình chống chính phủ Thái Lan sẽ có 12 người. Họ sẽ thực thi lệnh bắt giữ 19 thủ lĩnh biểu tình chống chính phủ thuộc Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân (PDRC). Những người này đều có tên trong lệnh bắt của Tòa án Hình sự Thái Lan.
Chalerm Yoobamrung, Bộ trưởng Lao động Thái Lan, người đứng đầu Trung tâm Duy trì Hòa bình và Trật tự (CMPO) hôm qua cho biết sẽ không có bạo lực với người biểu tình trong thời gian bắt giữ các thủ lĩnh biểu tình chống chính phủ này.
Cũng theo ông Chalerm, CMPO đang xin lệnh bắt giữ 39 thủ lĩnh khác của PDRC vì vi phạm các quy định của lệnh tình trạng khẩn cấp mà chính phủ Thái Lan ban hành. Khoảng 1.000 tình nguyện viên và cảnh sát sẽ được tập trung để giành lại trụ sở Bộ Nội vụ đang bị người biểu tình bao vây trong 4 ngày qua.
Trước đó, hôm 5/2, Tòa án Hình sự Thái Lan phát lệnh bắt các thủ lĩnh biểu tình chống chính phủ, trong đó có cựu phó thủ tướng Suthep Thaugsuban. Suthep và các cựu chính trị gia đảng Dân chủ bị cáo buộc tổ chức biểu tình làm gián đoạn cuộc bầu cử hôm 2/2 tại Bangkok và miền nam Thái Lan, chiếm giữ nhiều tòa nhà chính phủ và khiến giao thông tê liệt. Các thủ lĩnh biểu tình trong danh sách này sẽ bị bắt và tạm giam trong thời gian tối đa 7 ngày.
Tòa án đồng thời ban bố lệnh bắt một nhà sư có tên là Luang Pu Putta Issara vì làm gián đoạn cuộc bầu cử. Người này dẫn đầu đoàn biểu tình trên đường phố, bên ngoài văn phòng ở quận Lak Si, Bangkok, hôm 1/2 để chặn đường vận chuyển các hòm phiếu trước ngày bầu cử. Cuộc đụng độ giữa người biểu tình và người ủng hộ chính phủ làm ít nhất 8 người bị thương và khiến Ủy ban bầu cử phải hủy hoạt động bỏ phiếu ở Lak Si.
Thùy Linh