Cá rô phi cằm đen (Sarotherodon melanotheron) đã xuất hiện tại 19 tỉnh của Thái Lan, gây tổn hại hệ sinh thái ở các dòng sông, đầm lầy và kênh rạch vì ăn thịt cá nhỏ, tôm và ấu trùng ốc sên. Ngoài tác động sinh thái, Thái Lan còn lo ngại về tác động đến ngành nuôi trồng thủy sản quan trọng của nước này.
Các nhà chức trách đã thu giữ được 1.332.000 kg cá rô phi cằm đen từ tháng 2 đến ngày 28/8, theo Nattacha Boonchaiinsawat, phó chủ tịch hội đồng được thành lập để giải quyết sự lan rộng của loài cá này. "Chúng tôi trò chuyện với người dân địa phương và nhận thấy chúng đã xâm lấn mạnh hơn. Họ tìm thấy chúng trong những kênh rạch nhỏ, điều trước đây không xảy ra", ông nói. Nattacha cho biết, sự bùng nổ của cá rô phi cằm đen sẽ khiến kinh tế Thái Lan thiệt hại ít nhất 10 tỷ baht (293 triệu USD).
Cá rô phi cằm đen là loài vật bản địa của Tây Phi, con trưởng thành dài 20 - 28 cm và thường có đốm đen ở cằm. Chúng có thể đẻ tới 500 con một lứa. Chúng được phát hiện lần đầu tiên ở các con sông Thái Lan vào năm 2010, sau đó lan rộng nhanh chóng vào năm 2018. Hiện chúng cũng được tìm thấy ở bang Florida, Mỹ, và Philippines.
Hiện vẫn chưa rõ loài cá này đến Thái Lan bằng cách nào, nhưng theo truyền thông địa phương, chúng có thể được một công ty nhập khẩu từ Ghana vào năm 2010. Nattacha cho biết, một cuộc điều tra đang được tiến hành để xác định nguyên nhân gây ra tình trạng xâm lấn.
Tháng 7 năm nay, Thái Lan tuyên bố diệt trừ cá rô phi cằm đen là một ưu tiên quốc gia và bắt đầu khuyến khích người dân tiêu thụ chúng. Tỉnh Phetchaburi quảng cáo nước mắm và xúc xích làm từ loài vật này. Các nhà hàng cũng tăng cường sử dụng chúng trong các món ăn, chiên với tỏi hoặc phơi khô.
Thái Lan khuyến khích người dân địa phương đánh bắt cá rô phi cằm đen bằng cách trả 15 baht (0,42 USD) cho mỗi kg. Ngoài ra, nước này cũng chỉ định 75 khu vực bán cá trên cả nước. Các nhà chức trách đang thả động vật ăn thịt để săn bắt chúng, đồng thời phát triển cá rô phi cằm đen biến đổi gene để tạo ra con non vô sinh.
Thu Thảo (Theo AFP)