Thủ tướng Thái Lan Somchai Wongsawat. Ảnh: AP. |
Trong bài phát biểu trên truyền hình tối qua từ thành phố Chiang Mai, nhà lãnh đạo Thái cho biết chính phủ của ông hoàn toàn hợp pháp và sẽ tiếp tục cống hiến cho đất nước.
“Một lần nữa, tôi xin cam đoan rằng chính phủ này là hoàn toàn hợp pháp. Nó được lập nên từ kết quả của các cuộc bầu cử và sẽ tiếp tục hoạt động đến cùng. Vị trí của tôi không quan trọng nhưng các giá trị dân chủ thì có”, ông tuyên bố.
Chiều qua, tướng Anupong Paochinda, người đứng đầu quân đội Thái, lên tiếng yêu cầu thủ tướng tiến hành bầu cử sớm nhằm kết thúc những căng thẳng chính trị trong nước kéo dài nhiều tháng nay. Tuyên bố của ông làm dấy lên những lo ngại về việc sẽ xảy ra một cuộc đảo chính. Tuy nhiên, tướng Anupong đã phủ nhận khả năng này.
Thủ tướng Thái vừa trở về nước hôm qua sau một chuyến công du nước ngoài nhưng máy bay của ông không thể đáp xuống Bangkok do sân bay chính tại thủ đô là Suvarnabhumi bị biển người biểu tình vây hãm từ tối hôm 25/11, khiến tất cả các hoạt động ở đây đều bị đình trệ.
Tòa án Thái yêu cầu những người biểu tình thuộc Liên minh Nhân dân vì Dân chủ (PAD) rời khỏi phi trường. Tuy nhiên họ tuyên bố sẽ không rút lui cho đến khi chính phủ giải tán.
Hiện tất cả các chuyến bay đến và đi tại sân bay này đều bị hủy bỏ khiến hàng nghìn du khách đang bị mắc kẹt tại đây phải sống trong tình trạng khốn khổ, chật vật.
Vụ bao vây sân bay quốc tế chính ở Bangkok là động thái mạnh mẽ nhất của lực lượng Liên minh Nhân dân vì Dân chủ (PAD), sau nhiều tháng biểu tình ròng rã để phản đối chính phủ đương nhiệm. Họ buộc tội chính phủ của đương kim Thủ tướng Wongsawat tham nhũng và là bù nhìn cho cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra. Trong khi đó, hôm qua, ông Thaksin đang sống lưu vong tuyên bố sẽ về nước để "dẹp loạn".
PAD, liên minh của những người ủng hộ chế độ quân chủ, các doanh nhân và tầng lớp trung lưu, tiến hành chiếm đóng khu văn phòng chính phủ Thái Lan từ cuối tháng 8 vừa qua và tuyên bố sẽ không rời khỏi đây cho đến khi thủ tướng từ chức. Sau đó, các cơ quan chính phủ Thái buộc phải chuyển tới sân bay Don Muang để làm việc. Tới hôm 25/11, do căng thẳng lên tới đỉnh điểm, chính phủ Thái phải rút vào hoạt động bí mật.
Cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan nổ ra từ năm 2006, khi một chiến dịch biểu tình rầm rộ dẫn đến đảo chính lật đổ thủ tướng khi đó là Thaksin Shinawatra. Đồng minh của ông sau đó thắng cử trong cuộc bỏ phiếu tháng 12/2007 và lên nắm quyền. Phe đối lập tiếp tục các cuộc tuần hành phản đối từ đó đến nay và cáo buộc chính phủ của ông Somchai tham nhũng và là con rối của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra.
Ngọc Quỳnh (theo BBC)
Bạn có ở Thái Lan không? Bạn bị ảnh hưởng như thế nào vì biến động hiện nay? Hãy chia sẻ bằng hình ảnh và/hoặc text tại đây.