Tòa Hiến pháp tại Bangkok hôm nay bỏ phiếu nhất trí giải tán đảng đối lập Move Forward (MFP), sau phán quyết hồi tháng 1 rằng kế hoạch đề xuất sửa đổi luật khi quân của MFP là vi hiến, tương đương âm mưu lật đổ chế độ quân chủ lập hiến.
Các thẩm phán cho rằng MFP đã lợi dụng chế độ quân chủ để giành lợi thế trong cuộc bầu cử năm ngoái, gây căng thẳng giữa nhân dân với hoàng gia. Theo phán quyết, 11 lãnh đạo của đảng, trong đó có ông Pita Limjaroenrat, sẽ bị cấm tham gia hoạt động chính trường trong 10 năm.
MFP từng nhiều lần phủ nhận việc tìm cách phá hoại chế độ quân chủ. Trong cuộc họp báo sau khi Tòa Hiến pháp ra phán quyết, đảng này khẳng định không chống lại chế độ quân chủ lập hiến và các nghị sĩ MFP sẽ thành lập đảng mới trong tuần này.
Lãnh đạo đảng Chaithawat Tulathon cũng nói trong cuộc họp báo rằng phán quyết của tòa tạo ra tiền lệ nguy hiểm cho cách diễn giải hiến pháp.
Ông Pita, 43 tuổi, đã dẫn dắt MFP giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 5/2023 nhưng không thành lập được chính phủ. Đảng này không được lòng phe bảo thủ vì đề xuất sửa đổi luật khi quân. Ông Srettha Thavisin, từ đảng Pheu Thai, đã trở thành Thủ tướng.
Khoảng vài chục người mặc áo màu cam đặc trưng của MFP đã tập trung trước trụ sở đảng ở Bangkok sau khi tòa ra phán quyết. Siriporn Tanapitiporn, một người bán hàng ăn 53 tuổi, bật khóc khi nghe thông tin.
Việc MFP bị giải thể có thể chọc giận hàng triệu cử tri trẻ và cử tri thành thị ủng hộ đảng này cũng như chương trình nghị sự của đảng, nhưng tác động của phán quyết được cho là hạn chế. 143 nghị sĩ còn lại trong đảng vẫn giữ được ghế tại quốc hội và thành lập đảng mới, như cách họ đã làm vào năm 2020, khi đảng tiền thân Future Forward bị giải tán vì vi phạm quy định tài trợ cho chiến dịch.
Thái Lan có luật khi quân nghiêm ngặt bậc nhất thế giới, quy định rằng người có hành vi "phỉ báng, lăng mạ, đe dọa vua, hoàng hậu, người thừa kế, hoặc quan nhiếp chính" sẽ bị phạt tù 3-15 năm. Sau phong trào biểu tình năm 2020, quốc gia này càng siết luật khi quân và tăng cường xử lý những người vi phạm.
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)