Bộ trưởng Kinh tế Kỹ thuật số Thái Lan Buddhipongse Punnakanta hôm qua lệnh cho các cơ quan chức năng xác định các thông tin "không phù hợp" và chọn ra 114 bài viết chủ yếu được đăng trên các mạng xã hội như Facebook, Twitter và YouTube, có thể vi phạm Đạo luật Tội phạm Máy tính.
"Tất cả bằng chứng sẽ được thu thập và nộp cho tòa án vào ngày mai", ông Buddhipongse đăng Facebook tối 12/8. "Một khi tòa án ra lệnh, phán quyết sẽ được chuyển đến ba nền tảng mạng xã hội nói trên. Nếu trong vòng 15 ngày, các tài khoản không bị đóng hoặc các bài đăng không bị xóa, chúng tôi sẽ ngay lập tức thực hiện các hành động pháp lý".
Facebook, Twitter và Google (chủ sở hữu YouTube) chưa bình luận về cảnh báo của chính phủ Thái Lan.
Chuyên gia Anon Chawalawan thuộc tổ chức tư vấn pháp lý iLaw cho biết chính phủ Thái Lan từng tìm kiếm sự hợp tác với Facebook để xóa các bài đăng bị cho là xúc phạm chế độ quân chủ. Tuy nhiên, hành động pháp lý trước đây thường nhắm vào người dùng hơn là nền tảng mạng xã hội.
"Facebook là nhà cung cấp dịch vụ nên họ có thể xem xét các yêu cầu của chính phủ phù hợp với các nguyên tắc quốc tế về nội dung bị coi là thù hằn hoặc kích động bạo lực", Anon nói. "Có thể do nội dung chính trị hiện tại ở cấp độ cao hơn nên chính phủ đe dọa hành động pháp lý chống lại các công ty mạng xã hội, dù có thể có hậu quả liên quan đến các quy định về doanh nghiệp quốc tế".
Theo luật, tiền phạt khi vi phạm luật này tối đa là 200.000 baht (6.440 USD) và tiền phạt hàng ngày không quá 5.000 baht (161 USD) cho mỗi bài đăng, ông cho hay.
Thái Lan ban hành luật khi quân, cấm xúc phạm hoặc nói xấu nhà vua, hoàng gia. Người vi phạm có thể bị phạt tù tới 15 năm.
Động thái của chính phủ Thái Lan diễn ra khi hàng nghìn sinh viên Thái Lan biểu tình đòi Thủ tướng Prayuth Chan-ocha từ chức và kêu gọi cải cách chế độ quân chủ. Đây là đoàn biểu tình thứ ba phá vỡ điều cấm kỵ hàng thập kỷ qua ở nước này khi thách thức vai trò và quyền lực của hoàng gia.
Huyền Lê (Theo SCMP)