"Tôi sẽ thực hiện động thái đầu tiên để xuống thang tình hình. Tôi đang chuẩn bị dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở Bangkok và sẽ làm vậy ngay lập tức nếu không có sự cố bạo lực nào xảy ra", Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha hôm nay phát biểu tại Bangkok.

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha phát biểu trước báo giới tại Bangkok hôm 22/9. Ảnh: Reuters.
Ông Prayuth nói rằng các tranh cãi nên được giải quyết tại quốc hội. Đảng của ông Prayuth chiếm đa số tại hạ viện, toàn bộ thượng viện do quân đội chỉ định.
"Những người biểu tình đã khiến cho tiếng nói và quan điểm của họ được nghe thấy", ông Prayuth nói. "Đã đến lúc họ để quan điểm của mình được dung hòa với quan điểm của các bộ phận khác trong xã hội Thái Lan".
Sắc lệnh khẩn cấp cấm tụ tập trên 4 người có hiệu lực từ sáng 15/10, nhằm ngăn chặn làn sóng biểu tình. Tuy nhiên, hàng chục nghìn người Thái vẫn tập trung ở thủ đô Bangkok ngay chiều hôm đó, tiếp tục đưa ra các yêu sách, trong đó có việc đòi ông Prayuth phải từ chức.
Người biểu tình cáo buộc Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, người lên nắm quyền sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014, đã thao túng cuộc bầu cử năm ngoái để tiếp tục nắm quyền. Tuy nhiên, Thủ tướng Thái Lan cho biết cuộc bầu cử đã diễn ra công bằng và khẳng định sẽ không từ chức.
Hàng chục nghìn người biểu tình tuần hành đến Tòa nhà Chính phủ hôm nay để trao một lá thư từ chức giả, ám chỉ yêu cầu ông Prayuth rời ghế. "Mục tiêu của chúng ta hôm nay đã thành công. Chúng tôi đã gửi một lá thư cho ông Prayuth và đại diện của ông ấy đã nhận nó, hứa rằng nó sẽ đến được tay ông ấy", thủ lĩnh biểu tình Patsaravalee "Mind" Tanakitvibulpon nói với đám đông.
Người biểu tình đặt ra thời hạn ba ngày để Thủ tướng Prayuth Chan-ocha từ chức. "Cuộc chiến của chúng ta chưa kết thúc chừng nào ông ấy chưa từ chức. Nếu trong vòng ba ngày, ông ấy không từ chức, ông ấy sẽ phải đối mặt với mọi người một lần nữa", Patsaravalee nói.
Vài tiếng sau, Patsaravalee bị bắt với cáo buộc liên quan đến một cuộc biểu tình vào ngày 15/10. "Tôi không lo lắng. Đây là chiêu trò của chính phủ", Patsaravalee nói với các phóng viên trước khi bị đưa lên xe cảnh sát.
Ngoài yêu cầu Thủ tướng từ chức, người biểu tình còn đưa ra một số yêu sách khác, như thay đổi bản hiến pháp do chính quyền quân sự soạn thảo hiện nay hay cải cách chế độ quân chủ, vốn bị cáo buộc giúp quân đội mở rộng tầm ảnh hưởng chính trị trong nhiều thập kỷ. Người biểu tình cũng đề nghị hoàng gia minh bạch hơn về hồ sơ tài chính, trong bối cảnh nền kinh tế đất nước lao dốc vì Covid-19. Hôm nay, những người ủng hộ hoàng gia đã đối đầu với những người biểu tình chống chính phủ ở Đại học Ramkhamhaeng.
Cung điện Hoàng gia Thái Lan có chính sách không bình luận với truyền thông và cũng không bình luận về biểu tình hoặc yêu cầu của người biểu tình. Quốc vương Vajiralongkorn hôm 16/10 chỉ nhắn gửi người dân nên "yêu đất nước và yêu chế độ quân chủ", không đề cập đến các cuộc biểu tình.
Phương Vũ (Theo Reuters)