"Tôi rất buồn khi truyền thông nước ngoài, những người mà chúng tôi cho rằng hiểu rất rõ quyền trẻ em cũng như các thủ tục bảo vệ trẻ em và trẻ vị thành niên, lại tự hạ thấp tiêu chuẩn của họ một cách bất ngờ", Tawatchai Thaikyo, Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Thái Lan, viết trên Facebook hôm 21/7, theo CNN.
Thứ trưởng Tawatchai kêu gọi truyền thông tuân thủ các nguyên tắc khi phỏng vấn trẻ vị thành niên, trong đó bắt buộc phải có mặt một chuyên gia tâm lý để "ngăn chặn việc làm tăng thêm những tổn thương hằn sâu trong tim các em".
Tuyên bố này được đưa ra sau khi nhiều phóng viên quốc tế tới nhà các cầu thủ nhí trong đội bóng Lợn Hoang để phỏng vấn về cảm xúc của các em khi được xuất viện và trở về với gia đình.
Trước đó, Thái Lan đã tổ chức một cuộc họp báo với sự tham dự của 13 thành viên đội bóng để kể về những ngày bị mắc kẹt trong hang Tham Luang. Nhà chức trách sau đó yêu cầu báo chí tôn trọng quyền riêng tư của các em và không tiếp cận để phỏng vấn các em trong ít nhất 30 ngày nhằm đảm bảo sức khỏe tinh thần cho các em.
Chính quyền tỉnh Chiang Rai hôm 21/7 ra thông báo nói rằng tỉnh trưởng Prachon Prachsakul chỉ đạo một lực lượng đặc nhiệm "thảo luận các biện pháp bảo vệ quyền trẻ em của đội bóng Lợn Hoang theo Luật Bảo vệ trẻ em của quốc gia", sau khi có thông tin một số phóng viên nước ngoài đã phỏng vấn các cậu bé đội Lợn Hoang tại nhà riêng sau khi họ được xuất viện.
Thông báo nhấn mạnh bất kỳ hành vi vi phạm Luật Bảo vệ trẻ em nào cũng phải đối mặt với mức phạt tối đa là 60.000 baht (1.800 USD) hay phạt tù tối đa 6 tháng, hoặc cả hai.
12 thành viên cùng huấn luyện viên đội bóng Lợn Hoang được giải cứu sau khi mắc kẹt trong hang Tham Luang nhiều ngày. Sự kiện này đã thu hút sự chú ý rất lớn của truyền thông quốc tế, trong khi các nhà làm phim Hollywood cũng dự định làm phim lấy cảm hứng từ chiến dịch giải cứu này.
Đội bóng nhí Thái Lan cảm ơn lực lượng cứu hộ. Video: Bộ Y tế Thái Lan.
Huyền Lê