Chiến dịch tiêm chủng diện rộng của Thái Lan khởi động sáng nay với mục tiêu tiêm 6 triệu liều vaccine Covid-19 trong tháng 6. Giai đoạn đầu sẽ tập trung tại thủ đô Bangkok, nơi khởi phát đợt dịch thứ ba, cùng đảo du lịch Phuket.
Động thái diễn ra trong bối cảnh chính phủ Thái Lan hứng nhiều chỉ trích vì chiến lược tiêm chủng chậm chạp. Đến nay mới có hơn 3 triệu người được tiêm, chiếm gần 0,5% dân số hơn 70 triệu người của Thái Lan. Nguồn cung vaccine của nước này cũng khiến nhiều người lo ngại.
Giới chức Bangkok đã triển khai 25 điểm tiêm chủng ở thủ đô, trong đó bao gồm cả các trung tâm thương mại và siêu thị, nhằm hoàn thành kế hoạch tiêm cho tối đa 70.000 người mỗi ngày bằng vaccine AstraZeneca sản xuaasttrong nước.
Tính đến tháng 11/2020, Thái Lan, nơi từng được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ca ngợi khả năng chống dịch, ghi nhận tổng cộng chưa đến 5.000 ca nhiễm nCoV. Tuy nhiên, chỉ trong một ngày hồi cuối tháng 5, số ca nhiễm mới được báo cáo lên tới hơn 5.800. Thái Lan hiện ghi nhận gần 180.000 ca nhiễm, trong đó gần 1.300 người đã chết vì Covid-19.
Đợt bùng phát mới tại Thái Lan xảy ra ngay lúc nhiều nước phương Tây dần nới lỏng hạn chế, cũng là khi "làn sóng lây nhiễm muộn" tràn qua khắp Đông Nam Á, nơi phần lớn chưa có đủ vaccine để tiêm chủng. Thái Lan đang đặt niềm tin vào nguồn vaccine AstraZeneca nội địa do một công ty thuộc quyền kiểm soát của Quốc vương sản xuất, dù cơ sở này chưa từng sản xuất vaccine.
Lĩnh vực du lịch Thái Lan đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các biện pháp hạn chế, trong đó có cách ly hai tuần tại khách sạn với mọi khách nhập cảnh, trong khi số khách du lịch suy giảm mạnh.
Giới chức hy vọng chiến dịch tiêm chủng sẽ cho phép nước này nới lỏng hạn chế vào cuối năm nay. Phuket dự kiến mở cửa từ tháng sau, với mục tiêu 70% cư dân địa phương được tiêm vaccine và du khách đã tiêm chủng đầy đủ không phải cách ly khi đến đây.
Vũ Anh (Theo AFP)