Tại thị trấn Mae Sot ở phía tây Thái Lan, các binh sĩ chiếm lĩnh vị trí bên dưới cây cầu hữu nghị nối khu vực này với thị trấn Myawaddy của Myanmar. Bên kia dòng sông cạn, hình ảnh các binh sĩ Myanmar thoắt ẩn thoắt hiện.
Trên đầu các binh sĩ, hàng trăm dân thường đi bộ qua cầu, chạy vào lãnh thổ Thái Lan xin tị nạn, khi giao tranh bùng phát giữa quân đội Myanmar và các nhóm vũ trang nổi dậy.
Liên minh Quốc gia Karen (KNU), một nhóm vũ trang sắc tộc ở Myanmar, cuối tuần qua cho biết đã chiếm giữ một căn cứ quân sự cách thị trấn Myawaddy khoảng 10 km về phía tây. Hơn 600 binh sĩ, cảnh sát và gia đình họ đã đầu hàng. Chính quyền quân sự Myanmar đến nay chưa xác nhận thông tin này.
Theo Bộ Thương mại của chính quyền quân sự Myanmar, hơn 1,1 tỷ USD giá trị thương mại được chuyển qua Myawaddy, bang Kayin, đông nam đất nước, trong 12 tháng qua, là nguồn thu quan trọng cho chính quyền quân sự.
Giao tranh bắt đầu bùng phát xung quanh Myawaddy hôm 9/4, khiến người dân phải trốn chạy qua biên giới. Tuy nhiên, các thành viên KNU dường như không tiến vào thị trấn.
"Giao tranh diễn ra suốt đêm qua và sáng nay. Chúng tôi có thể nghe thấy tiếng pháo và tiếng nổ, có cả máy bay xuất hiện", người dân ngày 10/4 cho hay.
Trên lãnh thổ Thái Lan, quân đội được đặt trong trạng thái báo động cao. Một người dân cho hay đã nhìn thấy 8 xe quân đội Thái Lan tiến về biên giới vào tối 9/4, tuần tra trên đường phố Mae Sot.
"An ninh trong thị trấn được thắt chặt hơn trước. Hàng xóm của tôi đã bị binh sĩ Thái Lan kiểm tra khi cô ấy đến gần khu vực biên giới", một công dân Myanmar ẩn náu ở Mae Sot cho biết. "Quân đội tuần tra dọc biên giới, kiểm tra mọi người".
Xe bọc thép Thái Lan cũng đang tuần tra tại Mae Sot ngày 10/4, khi giao tranh ở Myanmar đã bước sang ngày thứ hai.
Thái Lan có chung đường biên giới dài 2.400 km với Myanmar. Ngoại trưởng Thái Lan hôm 9/4 cho biết nước này sẵn sàng tiếp nhận 100.000 người Myanmar chạy trốn giao tranh. Trước đó, Thủ tướng Srettha Thavisin và các quan chức cấp cao Thái Lan đã gặp nhau để thảo luận về vấn đề biên giới.
"Nhiều người đã từ Myanmar vào Mae Sot. Họ cũng đăng trên mạng xã hội tìm nơi để ở", người dân cho hay.
Một quan chức nhập cư nói số người đến từ Myanmar gần đây tăng lên khoảng 4.000 người mỗi ngày, tăng hơn gấp đôi so với bình thường. Thái Lan đang tăng cường lực lượng xử lý nhập cư để ứng phó tình hình.
Chính quyền quân sự Myanmar đang phải ngăn chặn các cuộc tấn công của quân nổi dậy trên khắp đất nước, đồng thời ổn định nền kinh tế đã bị suy yếu từ sau đảo chính. Tổng thống do chính quyền quân sự Myanmar bổ nhiệm Myint Swe cuối năm ngoái cảnh báo nước này có nguy cơ bị chia rẽ nếu không xử lý được cuộc nổi dậy của các nhóm phiến quân.
Thống tướng Myanmar Min Aung Hlaing tháng trước kêu gọi nhân dân và quân đội đoàn kết để chống lại các nhóm vũ trang "đang tìm cách phá hoại đất nước cũng như âm mưu phá hoại kế hoạch tổ chức bầu cử".
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)