Thái Hòa xúc động trước bàn tưởng niệm Trịnh Công Sơn. |
Trịnh Công Sơn mất vào đúng ngày 1/4. Trong ngày nói dối, thông tin về sự ra đi của ông khiến người hâm mộ tưởng trò đùa ác ý. Sau đám tang của Trịnh năm 2001, cuối mỗi tháng 3, những người yêu nhạc Trịnh lại chuẩn bị cho một cuộc về nguồn, đi tìm chính mình qua âm nhạc của ông.
Chín năm kể từ ngày Trịnh ra đi, năm nào Thái Hòa cũng ra một album nhạc Trịnh thay cho nén hương tưởng nhớ người nhạc sĩ tài hoa. “Tôi may mắn vì bố mẹ tôi là bạn của Trịnh Công Sơn. Trong quan hệ xã hội tôi thường gọi là anh Sơn, nhưng trong gia đình tôi gọi là cậu Sơn. Riêng Trịnh Công Sơn thích gọi tôi thân mật bằng tiếng Pháp là “Moa - Toa”. Từ 9 tuổi, tôi đã nghe nhạc Trịnh. Tôi lớn lên trong dòng nhạc ấy” - ngài giám đốc chất lượng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của tập đoàn điện lực lớn tại Pháp tâm sự về mối duyên đưa đẩy anh trở thành một tín đồ nhạc Trịnh.
Thân thiết với nhạc sĩ tài hoa là thế nhưng đến tận bây giờ, Thái Hòa vẫn đi tìm lời đáp cho câu hỏi “Who is Trinh Cong Son?” - "Trịnh Công Sơn, anh là ai?". Trong ấn tượng của Thái Hòa, Trịnh là người cực kỳ cô đơn. Cô đơn như những ca từ trong Lặng lẽ nơi này anh hát tối 2/4. “Trời cao đất rộng / Một mình tôi đi / Một mình tôi đi / Đời như vô tận / Một mình tôi về / Một mình tôi về với tôi”. Khi Thái Hòa hát, mắt anh nhắm nghiền, dường như thả cả hồn vào câu hát, không còn để tâm đến xung quanh. Một chất giọng trầm ấm, thênh thang, không chút dụng công kỹ thuật và đôi khi hơi run bởi sự tuôn trào của cảm xúc. Anh bảo, cái hay của nhạc Trịnh là cho phép người hát nhắm mắt, người nghe cũng nhắm mắt theo. Như thế mới nghe hết, cảm hết nhạc Trịnh.
Nhạc sĩ Trương Quý Hải (trái) khoe ngón đàn vilolin điêu luyện. |
Khi được hỏi điều gì làm lên thành công của Thái Hòa với nhạc Trịnh, anh trả lời rất dung dị: “Tôi cho rằng, cái quan trọng nhất của nhạc Trịnh là hát thật. Cái thật thể hiện ở sự đơn giản và một chút hồn nhiên, bởi bản thân anh Sơn khi viết rất mộc mạc. Nếu toan tính hay chuẩn bị quá kỹ lưỡng, đôi khi lại không còn là nhạc Trịnh nữa. Nó đi từ bên trong ra và đúng với cảm xúc người hát”. Không quan tâm đến kỹ thuật, Thái Hòa đã không chủ tâm thành ca sĩ. “Tôi không để ý tới việc người ta gọi tôi là nhà khoa học, kỹ sư hay ca sĩ. Tôi cho rằng trước tiên phải làm một người Việt Nam tốt, còn việc được mong mỏi là gì thì chỉ là người hát nhạc Trịnh tài tử. Anh Sơn từng nói với tôi: Có hai thế giới của âm nhạc, một của những người chuyên nghiệp kiếm tiền bằng nghề nhạc và một của những người tài tử. Cái tài tử cho phép mình đi xa và không cần giới hạn” - chàng Việt kiều Canada tâm sự. Anh cũng cho biết, đây chính là nguyên nhân anh lựa chọn sân chơi FPT thay vì đồng ý nhận lời biểu diễn ở những nơi chuyên nghiệp.
Mỗi bài lựa chọn trình diễn, anh lại kể một câu chuyện thú vị đi kèm về Trịnh mà không mấy người được biết. Với Chiếc lá thu phai, cả hội trường nín lặng nghe Thái Hòa kể về mối tình của Trịnh Công Sơn với người con gái đã xuất hiện trong hơn 100 bài hát của ông. Hai người yêu nhau từ những ngày chiến tranh, vì sự trắc trở của số phận, nàng đi lấy chồng, xa chàng nửa vòng trái đất. Năm 1993, sau 20 năm, nàng trở lại, tặng Trịnh một món quà gói trong khăn tay, mở ra là chiếc lá phong với những răng cưa đã vàng. Trong cuộc tái ngộ, người đàn bà run run khóc, người đàn ông đứng yên, từ đó dồn hết những xúc cảm vào âm nhạc, cho ra đời dồn dập các sáng tác mà mở đầu là Hai mươi năm xin trả nợ người. Cô gái ngày xưa khi gặp lại đã là thiếu phụ 50 tuổi, tối tối đến thăm Trịnh và ra về lúc 23h. Riêng đêm Trịnh viết Chiếc lá thu phai, nàng ở lại suốt đêm, ngồi chờ ngoài lan can. Khi Trịnh đang viết dở đi ra ngoài thấy người yêu ngủ, đầu gục trên gối, tay đỡ trán, những món tóc dài chảy qua tay, có sợi đã bạc liền cảm thán viết rằng: “Chiều hôm thức dậy / Ngồi ôm tóc dài / Chập chờn lau trắng trong tay” - đầy xót xa cho một cuộc đời.
Nguyệt Ca - Đức Thịnh - Thái Hòa phiêu trong "Cánh chim cô đơn". |
Nhạc Trịnh Công Sơn, tính nhân văn nằm ở việc đi vào thân phận con người và thân phận tình yêu, thứ tình yêu vừa cá nhân gắn với những người con gái cụ thể, vừa đại diện cho tình yêu của nhân loại. Chính vì thế, nhạc Trịnh được xếp vào hàng những bài hát không có tuổi và được người ta truyền bá như truyền đạo. Đó là lý do cho những đêm nhạc giỗ Trịnh hàng năm. “Có những điều kiện lý tưởng hội tụ nên đêm nhạc. Đầu tiên là sức sống của nhạc Trịnh. Nếu thiếu điều này, tất cả đều vô nghĩa. Thứ hai, bản thân những người FPT đều làm công nghệ nhưng bên trong đó là tâm hồn yêu âm nhạc. Thứ ba, chúng tôi may mắn gặp những người tài tử nhưng rất chuyên sâu trong nhạc Trịnh. Thái Hòa đã mang đam mê của anh đến với người FPT” - ông Bùi Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị FPT, cho biết.
Không chỉ hát, Thái Hòa còn khoe tài với đàn piano, dạo cùng tiếng violin của nhạc sĩ Trương Quý Hải bài Diễm xưa. Nhưng phút cao hứng nhất của anh là phần hòa giọng với Nguyệt Ca, nhạc sĩ Đức Thịnh trong tiếng guitar điêu luyện mà Đức Thịnh cống hiến với những ký ức tuổi thơ về bài Cánh chim cô đơn.
Ngoài phần đinh của chương trình là sự xuất hiện của Thái Hòa, “Hãy yêu nhau đi” - đêm nhạc tưởng niệm Trịnh Công Sơn còn có những giọng ca FPT với những bài hát quen thuộc của Trịnh: Một đêm thấy ta là thác đổ, Hoa vàng mấy độ, Để gió cuốn đi, Cỏ xót xa đưa, Gọi tên bốn mùa… Trong khi Thái Hòa chinh phục hàng trăm người có mặt trong hội trường thì bản thân anh lại thú nhận, anh bị chinh phục bởi những giọng hát không chuyên ngây thơ, run rẩy. Anh dự định hỗ trợ dự án người FPT hát nhạc Trịnh, xuất bản CD lưu hành toàn quốc, số tiền thu được từ CD này dùng giúp đỡ trẻ em nhiễm chất độc da cam.
|
Ngọc Trần
Ảnh: Ngọc Trần