Trường hợp này được chia sẻ trên tạp chí BMC Women's Health, hôm 10/3. Người phụ nữ gốc Congo, đến gặp bác sĩ Waseem Sous, chuyên gia nội khoa, Đại học Y khoa SUNY Upstate, bang New York, với triệu chứng đau bụng, khó tiêu và có tiếng ục ục ở bụng sau khi ăn.
Kết quả chụp CT cho thấy cô bị tắc ruột non, chèn ép tĩnh mạch, có khối u trong bụng kích thước khoảng 15-20 cm, chứa xương. Sau đó, bác sĩ kết luận bệnh nhân mang "thai nhi đá", hiện tượng hiếm gặp, xảy ra do thai nhi phát triển bên ngoài tử cung.
Bào thai trong bụng người phụ nữ đã có chi trên, xương, thậm chí móng tay. Do lượng máu cung cấp không đủ, thai nhi ngừng phát triển sau khoảng 28 tuần. Tuy nhiên, vì hình thành ở sai vị trí, thai nhi đã chết và không có cách nào rời khỏi cơ thể.
Để bào thai không thối rữa trong ổ bụng và khiến người mẹ bị nhiễm trùng, cơ thể sẽ tự sản sinh vôi hóa để "ướp xác" thai nhi. Vôi hóa về cơ bản là sự tích tụ muối, được cơ thể người sử dụng như một rào cản chống lại nhiễm trùng. Các chất lắng đọng giàu canxi chuyển đến bào thai, dần dần bao bọc nó trong lớp vỏ vôi hóa và biến thành đá.
Các bào thai ở trạng thái vôi hóa có thể tồn tại trong cơ thể 60 năm, theo một số tài liệu y khoa. Tình trạng này chỉ được ghi nhận 290 lần trong lịch sử, lần đầu tiên tại Pháp vào năm 1582. Một số bà mẹ có các triệu chứng nghiêm trọng, nhưng những người khác có thể sống hàng chục năm mà không gặp bất cứ vấn đề gì.
Bệnh nhân Congo đã từ chối điều trị, cho rằng tình trạng sức khỏe của mình liên quan đến một loại bùa chú. 14 tháng sau, người phụ nữ tử vong vì suy dinh dưỡng. Bào thai đá nén chặt ruột, gây tắc nghẽn, khiến cơ thể không còn khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng quan trọng.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của cô là suy thoái mô dẫn đến ngừng tim hoặc rối loạn nhịp tim. Nguyên nhân khác bao gồm nhiễm trùng do suy yếu miễn dịch.
Trước đó, các chuyên gia ghi nhận một người phụ nữ ở Colombia mang thai nhi đá trong 40 năm. Bệnh nhân 82 tuổi ban đầu nghĩ rằng mình bị đau dạ dày. Tuy nhiên, kết quả chiếu chụp cho thấy sự hiện diện của một bào thai vôi hóa. Sau đó, bà được phẫu thuật để lấy bào thai ra khỏi cơ thể.
Năm 2014, Việt Nam cũng ghi nhận bà Nguyễn Thị Sáu, 76 tuổi, ở phường Cam Lộc, TP Cam Ranh, Khánh Hòa mang bào thai đá. Bác sĩ Lê Quang Vinh, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Cam Ranh, nhận định thai trong ổ bụng bà Sáu đã chết lưu từ rất lâu, hóa thạch (lithopedion) và đang có biến chứng gây đau dữ dội vùng bụng. Bệnh nhân sau đó được phẫu thuật để loại bỏ khối thai.
Thục Linh (Theo Times Now)