Chia sẻ kinh nghiệm thai giáo cho con tại buổi tọa đàm về kỹ năng làm cha mẹ, Thạc sĩ Nghệ thuật Sĩ Hoàng cho rằng, đứa con là sự truyền thừa nối dõi tông đường, kéo dài thêm ước mơ của cuộc đời hữu hạn với bao hy vọng. Vì thế việc xây dựng một "lộ trình" suôn sẻ cho sự truyền nhân đó là mong mỏi của các bậc cha mẹ, vì ai cũng muốn trao cho con mình những điều tốt lành nhất ngay từ khi con còn trong dạ.
Chẳng hạn, ở Nhật Bản, các bà mẹ tương lai được sống trong những ngôi nhà chung đặc biệt tại những nơi có phong cảnh đẹp. Theo đó cả mẹ và đứa trẻ sắp ra đời được những người phụ nữ có chuyên môn bồi dưỡng về thẩm mỹ và âm nhạc.
Tại một số nước châu Phi từ thời xa xưa cho đến tận ngày nay người ta vẫn cho phụ nữ mang thai tập những vũ điệu chuyên dụng và các bài vận động nhịp nhàng.
Trong bề dày lịch sử mấy ngàn năm hình thành và phát triển của y học cổ truyền, phương pháp giáo dưỡng trẻ con "từ trong trứng" đã xuất hiện từ đời nhà Hán (Trung Quốc). Thái Sử Công trong Sử Ký đã viết: "Hoàng hậu có thai, mắt không nhìn màu sắc xấu xí, tai không nghe lời tục tĩu, miệng không nói những câu ngạo mạn ".
Còn tại Việt Nam ngày xưa khi một người phụ nữ có mang muốn con mình sinh ra xinh đẹp cũng thường ngắm nhìn trẻ con dễ thương, chiêm ngưỡng hình Phật Bà, Tiên nữ tô vẽ trong chùa, những cảnh đẹp, tranh đẹp, hình ảnh những người mẹ yêu thương con.
Chẳng hạn một hình ảnh "thai giáo" không còn xa lạ với người Việt chúng ta đó là bộ tượng mang tính tâm linh nổi tiếng gồm 3 con khỉ: Một con tự bịt miệng (không ác khẩu), một tự bịt tai (không nghe ác ngữ) và một con tự bịt mắt (không nhìn những điều xấu xa). Đó là 3 điều cơ bản mà một người muốn có cuộc đời lành cần phải thực hiện, cho mình và cả cho con cháu.
Theo Thạc sĩ Sĩ Hoàng, một con người muốn thành nhân, thành đạt thì cần phải học hỏi không ngừng. Muốn học hỏi đạt hiệu quả tối ưu, ta cần có được những "dụng cụ học tập" càng "xịn" càng tốt. Tạo hóa ban tặng cho mỗi người 5 giác quan, cũng giống như 5 dụng cụ chính để ta học mọi điều từ môi trường sống. Trong đó, thị giác có nhiệm vụ tiếp nhận và "phiên dịch" thông tin từ ánh sáng đi vào mắt, gọi nôm na là "nhiệm vụ nhìn".
Thị giác của thai nhi phát triển chậm hơn các giác quan khác, vì môi trường trong tử cung của người mẹ không thích hợp cho thai nhi mở mắt. Tuy nhiên mắt của thai nhi không phải hoàn toàn không nhìn thấy gì. Từ 4 tháng tuổi thai nhi đã rất mẫn cảm với ánh sáng. Khi người mẹ tắm nắng, thai nhi đã có thể cảm nhận được sự mạnh yếu của ánh sáng chiếu qua bụng mẹ.
Từ tháng thứ 7, thai nhi đã cảm nhận tốt ánh sáng dù hai mắt vẫn nhắm tít. Thời điểm này, mẹ đi dạo ngoài trời, nói chuyện với bé, tập thể dục cho bé và liên tưởng tới các vẻ đẹp thiên nhiên. Mẹ có thể vén bụng để ánh sáng mặt trời rọi vào bụng.
Cụ thể một số bài tập mẹ cần làm thường xuyên để giúp thai nhi phát triển thị giác như:
- Tắm nắng cho bụng bầu: Chọn nơi không khí trong lành, thoáng mát vào lúc chiều tối hoặc sáng sớm khi ánh nắng đã dịu nhẹ. Mẹ nằm trên thảm hoặc ghế tựa lưng cho ánh sáng được chiếu trên bụng bầu khoảng 15 – 20 phút. Qua đó thị giác của thai nhi sẽ được thưởng thức ánh sáng trong lành từ thiên nhiên.
- Ngắm cảnh đẹp như: Ánh mặt trời lúc rạng đông, ráng chiều trong buổi hoàng hôn, cây xanh, hoa tươi, sơn thủy hữu tình, vườn cảnh; Những khung cảnh đẹp trong các buổi trình diễn nghệ thuật như ca múa nhạc, phim hoạt hình trẻ em, kịch tươi vui nhẹ nhàng. Bên cạnh đó, việc mẹ thấy nhà cửa được gọn gàng sạch sẽ để trong lòng thư thái, yêu đời, rất có lợi cho tâm tính của trẻ sau này.
- Ngắm hình ảnh đẹp bằng cách treo nhiều tranh, ảnh các em bé dễ thương, tranh phong cảnh, hình những người tôn quý là Phật, Chúa, thiên thần... trong phòng ngủ, phòng ăn, phòng khách nơi thường xuyên sinh hoạt, dễ thấy. Tránh nhìn những gì xấu xa, hung bạo, quái gở.
- Ngắm người đẹp, những đứa trẻ đáng yêu, những người mình thương mến, trân trọng, tôn kính.
- Ngắm mình đẹp: Đây là việc dễ dàng và thường xuyên nhất mà thai phụ nên làm. Người mẹ nên trang điểm nhẹ, ăn mặc thanh lịch trang nhã để tự tin với hình ảnh của mình. Khi soi gương và cảm thấy hài lòng về hình ảnh bản thân, thai phụ sẽ liên tưởng tới hình ảnh đẹp của bé trong tương lai.
Thi Ngoan