Ông hiện nguyên bộ mặt khi hàng loạt ngôi sao hàng đầu thế giới đồng loạt cáo buộc bị ông quấy rối tình dục. Hashtag #Metoo (Tôi cũng vậy) lan đi như một mồi lửa. Bất kỳ ai từng bị quấy rối được kêu gọi chia sẻ hashtag này như một cách để thức tỉnh xã hội về sự nghiêm trọng của nó.
Trên thế giới, trung bình 79% nạn nhân của quấy rối là nữ, 21% là nam, một nửa bị sếp quấy rối và 12% sợ hãi vì bị trả thù.
Dù các con số đã rất ám ảnh, tôi cho rằng sự thật khủng khiếp hơn thế nhiều. Rất nhiều người trong chúng ta từng bị quấy rối, bất kể nam nữ, trẻ con hay người lớn. Nhưng đa số không biết điều mình nói, việc mình làm, là quấy rối hoặc chịu đựng sự quấy rối, thậm chí còn tưởng đó là sự khen ngợi.
Quấy rối không phụ thuộc vào xinh xấu hay độ phơi bày của da thịt. Ở Trung Đông, phụ nữ bịt kín mặt cũng bị làm phiền trên đường. Ở Ấn Độ, mại dâm là hợp pháp, ai cũng có thể mua sex nhưng những vụ hiếp dâm ở Ấn Độ vẫn kinh hoàng nhất thế giới. Tại sao? Vì nguyên nhân của quấy rối hay hiếp dâm không hẳn chỉ là những khao khát lệch lạc về tình dục áp đặt cho kẻ khác. Đó là quyền lực. Quyền được tự do thoả mãn thú tính hay quái tính, quyền muốn thấy kẻ khác trở thành nạn nhân, quyền không quan tâm đến cảm xúc của đồng loại, quyền coi người đối diện như một thực thể hơn là một con người.
Harvey Weinstein, một người đàn ông thành đạt, không thiếu khả năng chinh phục những cô gái đẹp một cách đường hoàng. Nhưng ông ta vẫn chọn cách quấy rối để tìm sự thỏa mãn.
Có hàng trăm nghìn ví dụ về quấy rối tình dục. Ở nhiều nước có quy định rất rõ ràng, là những lời khen hay trêu chọc có ý dâm dục, những câu hỏi hoặc gợi ý quá riêng tư... Khi một sinh viên trong trường tôi dạy email cho một giáo viên (nam) rằng anh mặc quần jeans bó sẽ tôn lên thân hình thể thao của mình hơn, đồng nghiệp này suýt quyết định đưa cô sinh viên táo tợn ra hội đồng, may mà cô nhận ra và xin lỗi kịp thời. Tôi cũng từng bị một ông sếp, khi say ngà ngà, gợi ý rằng ông có vợ rồi, nhưng mà hai vợ chồng đồng sàng dị mộng, và ông rất thích nét nhỏ nhắn của phụ nữ Á châu. Nói xong... liếm môi. Tôi thấy lộn ruột. Nhưng vì ông ta là sếp. Nên tôi chỉ dám cười.
Ở Việt Nam, luật pháp chưa đầy đủ, nhận thức của người dân vì thế cũng lơ mơ. Nhiều bạn bị lạm dụng mà không biết. Nền văn hoá phụ hệ và những rơi rớt của nó khiến cả phụ nữ và đàn ông đều bối rối. Một ví dụ nghe qua tưởng đáng yêu mà tác hại khủng khiếp: Bài hát “Con gái nói có là không” có câu “đừng nghe những gì con gái nói" của Ngọc Lễ. Tôi từng hát bài này suốt thời thiếu nữ, cho đến khi hiểu rằng đó là một con dao hai lưỡi của xã hội Á Đông. Làm sao con trai biết được lúc nào tôi nói "không" là do e thẹn, lúc nào là do thực tình không muốn?
Tôi liệt kê ra đây một vài trường hợp điển hình của quấy rối tình dục, những trường hợp phổ biến ở Việt Nam: Cố tình va chạm trên xe bus, chỗ công cộng; Gọi “em ơi, em ơi” trên đường; Lẽo đẽo đi theo xin số điện thoại dù đối tượng không phản ứng; Cố tình đụng chạm trong công sở; Đùa cợt về cơ thể và giới tính của người khác…
Nếu tôi muốn nói với các bạn gái một câu thôi về giáo dục quấy rối tình dục, thì câu đó sẽ là: "Thích thì nói có. Không thích thì phải nói không". Với các bạn nam, câu đó là: Luôn luôn xin phép. Nghe thấy miệng nói “ok” hay nhìn thấy gật đầu thì mới hành động". Tuyệt đối không bao giờ tự tìm cách thỏa mãn khi đối tượng say sưa hoặc không có khả năng phản ứng. Vì như vậy, bạn có thể sẽ phạm tội hiếp dâm - một tội hình sự.
Tôi nhớ một lần hẹn hò với một anh chàng Thụy Sĩ. Chúng tôi lao vào nhau với tất cả nồng nhiệt. Nhưng trong lúc rối ren của lý trí và cám dỗ, trước khi hôn anh vẫn cẩn thận thì thầm: "Em ơi, em đủ 18 tuổi chưa?". Tôi phì cười.
Trở lại câu chuyện của chúng ta, khi tình dục còn là chuyện cấm kị và xấu xa để thậm chí không dám nhắc tới thì việc bị quấy rối mà không biết, biết mà không dám nói, nói mà không ai có thể giải quyết, nói xong còn sợ bị dèm pha, trả thù... là chuyện dễ hiểu.
Giờ đủ can đảm hơn, tôi nhất định sẽ nghiêm giọng hỏi lại tay sếp năm xưa: Anh nói vậy là có ý gì?
Nguyễn Phương Mai