Gặp mọi người, tất nhiên tôi vẫn giới thiệu mình là người Hải Phòng. Tôi không phải là người theo chủ nghĩa xô vanh cục bộ, nhưng trong suốt những năm tháng sống xa nhà, vẫn luôn cố gắng để tự giữ ý nghĩa câu nói ấy. Tôi mua xe ở Hà Nội, tự đi về Hải Phòng để lấy một cái biển 15. Cháu đầu lòng, tôi cũng đưa vợ về sinh ở Hải Phòng.
Ý thức về việc “tôi là ai” ấy - tôi nghĩ rất quan trọng với cuộc đời mỗi con người. Và nó được tạo ra từ ký ức: từ mẹ tôi ở quê, từ bánh đa cua, từ những con đường đỏ ánh phượng ngày còn đi học, từ không khí trên sân Lạch Tray, và tất nhiên, có cả Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn.
Đài Hải Phòng năm nào cũng tường thuật trực tiếp hội chọi trâu. Tôi nghĩ người Hải Phòng xa quê, bây giờ nhắm mắt lại cũng tưởng tượng được giọng nói của vị BLV quen thuộc. Trên truyền hình hồi ấy phát những phóng sự về nghiệp nuôi trâu chọi làm tôi xúc động. Hình ảnh người chủ trâu tập chạy cùng con trâu dưới bình minh bên bờ biển, đẹp đẽ, lưu lại mãi trong ký ức.
Có một vấn đề khi đặt ra việc điều chỉnh các lễ hội truyền thống, hay là điều chỉnh truyền thống nói chung: ở mặt nào đó, truyền thống tạo ra con người, chứ không phải con người tạo ra truyền thống.
Mâu thuẫn này được chứng minh nhiều lần. Bất chấp làn sóng dư luận, thậm chí cả các mệnh lệnh hành chính, những người dân Ném Thượng vẫn cương quyết giữ hội chém lợn. Nó là một phần trong đời sống của họ từ hàng trăm năm qua. Ở Tây Ban Nha, bò vẫn bị giết trong trường đấu. Ở Đảo Faroe, hàng trăm con cá heo vẫn bị giết mỗi mùa lễ hội săn, máu nhuốm đỏ bờ vịnh. Việc lên án không khiến họ từ bỏ truyền thống.
Ở Ấn Độ, đầu năm nay người ta chứng kiến một cuộc biểu tình kinh hoàng đòi giữ hội đấu bò. Tòa án Tối cao Ấn Độ năm ngoái tuyên đấu bò là bất hợp pháp, vì các lý do nhân đạo với động vật. Nhưng hàng vạn người ở xứ sở bò thiêng, xuống đường tụ tập đòi tổ chức lại hội. Không phải những người lao động ít học: trong số những nhân vật đòi giữ hội vì “nó là một phần truyền thống”, tôi nhìn thấy những trí thức hàng đầu của đất nước này (và cũng vang danh thế giới).
Thủ tướng Modi phải nhân nhượng. Và ngay trong lễ hội được tổ chức sau đó, con bò húc chết 2 người.
Ngay từ trước khi bi kịch trâu húc chết chủ diễn ra tại Đồ Sơn, tôi cũng không thấy thoải mái với nhiều điểm của Lễ hội chọi trâu. Từ thời bé, người lớn đã không ai giải thích trọn vẹn được cho tôi tại sao lại giết trâu, ngay cả khi nó thắng. Nếu giết là một phần truyền thống, thì việc bán thịt trâu với giá cắt cổ, và mọi người tranh nhau mua cũng khiến tôi thấy không ổn. Những nghi vấn về sự ăn thua, với chất kích thích, việc vuốt nhọn sừng trâu, và cả việc bán vé để vào xem hội như là một trận đấu thể thao, tôi cũng thấy có vấn đề.
Nói một cách thẳng thắn, có tinh thần bạo lực trong lễ hội này. Nhưng nếu bây giờ có ai đó đề nghị tôi ký vào một bản kiến nghị đòi bỏ lễ hội chọi trâu, tôi nghĩ mình không làm được. Tôi nghĩ nhiều người Hải Phòng có cùng tâm trạng này.
Ở góc độ của một cử tri, một người viết báo, tôi ở vị trí tham gia quyết định sự tồn tại của hội chọi trâu. Nhưng ở góc độ một con người tinh thần, thì chính cái lễ hội ấy và niềm tự hào về nó, đã tạo ra tôi. Như là lễ chém lợn đã tạo ra người làng Ném Thượng, hội đấu bò đã tạo ra dân Tây Ban Nha và Ấn Độ.
Mâu thuẫn này sẽ không thể được giải quyết nếu ta tiếp cận câu chuyện bằng một thái độ nhị phân: chỉ có “Đúng” hoặc “Sai”, chỉ có “Cấm” hoặc “Giữ”. Nó càng không thể được giải quyết, ít nhất là trong lòng mỗi người, bằng một mệnh lệnh chuyên chính từ trung ương xuống.
Những tranh cãi về lễ hội truyền thống cứ diễn ra từ năm này qua năm khác, một phần vì thái độ tiếp cận tuyệt đối hóa này. Không thể có một sự thừa nhận tuyệt đối là “Đúng, cần giữ”; cũng không thể chấp nhận được một sự phủ nhận sạch trơn “Sai, cần bỏ”. Ta đã đối mặt với tình thế này, khi bàn đến thịt chó nhiều năm qua.
Người Bồ Đào Nha cũng có môn đấu bò, và đã giữ môn đấu bò. Nhưng khác với người Tây Ban Nha, họ cấm giết con bò trên sân đấu. Hiệp sĩ nào lỡ tay giết con bò khi đấu, sẽ chịu phạt lên tới hơn 100.000 euro - một mức phạt nhằm khiến người ta khánh kiệt.
Đó có thể là một lối bóc tách vấn đề mà chúng ta nên có. Người Đồ Sơn hay dân Hải Phòng nói chung, có thể giữ lại điều cốt lõi mà họ cho là một phần đời của mình. Nhưng sẽ có những thứ buộc phải được điều chỉnh theo mặt bằng xã hội. Sự an toàn phải được đảm bảo, chất kích thích và việc gia công sừng con trâu thành hung khí, phải bị cấm tuyệt đối. Số phận con trâu có thể do chủ của nó quyết định, nhưng việc bày bán những tảng thịt của con vật vừa được tôn vinh, cho nhiều người đổ xô vào mua, nên là một tinh thần cần xét lại... Có rất nhiều điểm có thể được xem xét, thậm chí cả việc bán vé.
Tất nhiên, thời đại sẽ thay đổi. Ở một thế hệ khác, như con trai tôi, được nuôi nấng tinh thần bằng những giá trị khác, không còn cảm thấy lễ hội này là quan trọng nữa, thì nó có thể được bỏ đi mà không nuối tiếc gì. Thậm chí nó có thể tuyên bố mình không phải người Hải Phòng tôi cũng thấy hợp lý.
Nhưng với những ký ức còn lại, trước tấn bi kịch của lễ hội chọi trâu năm nay, tôi tin, một thái độ nhị phân “Đúng-Sai” sẽ chỉ làm câu chuyện thêm bế tắc - như nó đã luôn bế tắc khi bàn đến lễ hội - thay vì là cơ hội để tìm kiếm điều tốt đẹp.
Đức Hoàng