Tập đoàn có gần 1.000 lao động, công nhân của chúng tôi ăn theo sản phẩm, tùy theo năng suất từng người mà họ được lĩnh khoảng 300.000 đến 600.000 đồng mỗi ngày. Do thị trường thế giới biến động, có giai đoạn đơn hàng xuất khẩu sụt giảm khá nhiều. Chúng tôi bàn hết cách, nhưng cuối cùng vẫn phải quyết định cho công nhân nghỉ việc vào một số ngày cuối tuần. Nhiều người rất buồn, liên tục hỏi các giám đốc nhà máy: "Sếp ơi, đến bao giờ được đi làm lại?"
Những người quản lý chúng tôi cũng chẳng vui vẻ gì. Đợt nghỉ đó kéo dài từ trước tết Nguyên đán, thời điểm họ cần tiền ăn Tết, rồi sau Tết thì cần tiền bù đắp cho một kỳ nghỉ quá dài và chi tiêu rất nhiều. Họ quay trở lại nhà máy với tâm lý chờ đợi. May thay, chúng tôi chỉ phải giảm năng suất trong bốn tháng. Ngày được thông báo sẽ đi làm lại vào thứ Bảy như trước, họ cười rạng rỡ: "Sếp đừng để cho chúng em phải nghỉ nữa nhé".
Những ngày nghỉ, người lao động đa số về quê, đi chơi, ăn nhậu, tiêu tiền. Nếu ở lại thành phố thì cũng ăn nhậu, đi du lịch. Nhiều người quay lại cơ quan, nhà máy với khuôn mặt cực kỳ mệt mỏi. Quỹ lương tháng Hai của chúng tôi bao giờ cũng thấp nhất trong năm, hiển nhiên là vì tháng có 28 ngày, có kỳ nghỉ Tết dài. Nhưng lý do quan trọng hơn là, khi quay lại làm việc, năng suất của người lao động giảm từ 30% đến 50% và thu nhập của họ cũng giảm tương ứng trong khi đó là tháng gia đình họ tiêu pha nhiều nhất.
Có thể ít ai nói ra, nhưng người sử dụng lao động như chúng tôi rất ngại trước và sau những kỳ nghỉ dài, năng suất lao động và chất lượng lao động cực kỳ giảm sút. Người lao động có tư tưởng chuẩn bị đến ngày nghỉ, rục rịch chuẩn bị đi chơi. Họ sao nhãng với công việc hơn. Thí dụ về kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, thông thường công nhân được nghỉ từ 7-10 ngày nhưng thực chất, tâm lý của người lao động đã "nghỉ" trước và sau đó cả tháng.
Một tháng trước khi nghỉ Tết, công nhân đã không còn tâm trạng tập trung cho sản xuất. Số người nghỉ trong tháng trước Tết tăng cao và xin nghỉ với tỷ lệ thường xuyên. Sản lượng tháng trước Tết giảm so với thông thường 40%-50% kể cả khi số người đi làm vẫn đầy đủ. Các ngày đầu đi làm lại, tới 30% lao động tới công ty muộn giờ làm. Năng suất, sản lượng chỉ quay lại bình thường từ nửa cuối tháng Ba đến đầu tháng Tư dương lịch trở đi.
Các dịp nghỉ khác trong năm như giỗ Tổ, 30/4-1/5 hay 2/9 tuy không nghiêm trọng như Tết Nguyên đán nhưng mức độ sụt giảm về năng suất lao động cũng không hề nhỏ. Đó còn chưa kể tới trong tất cả các kỳ nghỉ lễ, tình trạng tai nạn giao thông do đi lại, rượu bia, ốm đau do nhậu nhẹt quá nhiều, công nhân cũng vắng hơn thường lệ.
Tôi có người bạn là kiến trúc sư Nhật nổi tiếng đầu tư một doanh nghiệp 100% vốn Nhật Bản tại TP HCM. Ông nói muốn đầu tư và sống lâu dài tại đây. Tuy vậy, điều ông ngại nhất là tình trạng đi muộn của người Việt Nam trong tất cả các cuộc họp từ nhỏ đến lớn. Không chỉ ở công ty ông, ông thấy thói quen đi muộn dường như đã trở thành tập quán ở Việt Nam, với nhiều sự kiện, nhất là đám cưới. Việc này không chỉ gây thiệt hại rất nhiều về thời gian, tiền của, ảnh hưởng đến nội dung chương trình sự kiện mà còn gây ra những lãng phí vô hình và vô nghĩa khác.
Tôi không phản đối việc tăng thêm vài ngày nghỉ của quốc gia với các lý do chính đáng của nhà quản trị nền kinh tế. Đúng là so với các nước phương Tây tiên tiến, tổng số ngày nghỉ của người Việt không phải là cao, thậm chí còn ít hơn nhiều. Tuy vậy, là doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm tới 60 nước, thường xuyên làm việc với nước ngoài, tôi nhận thấy năng suất lao động của Việt Nam kém không chỉ so với nước phương Tây mà còn với những nước láng giềng cùng hệ văn hóa châu Á như Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan. Năng suất lao động theo ngày của họ rất cao nếu so sánh với công nhân Việt Nam. Bởi họ làm ra làm, nghỉ ra nghỉ chứ không có tâm lý vừa làm vừa chơi như ở đa số lao động Việt Nam hiện nay.
Chủ đề chất lượng lao động của Việt Nam rất thường xuyên được bàn tới như bài toán mãi dở dang. Giới chủ chúng tôi đều biết để cải thiện năng suất và chất lượng lao động, doanh nghiệp cần đầu tư máy móc thiết bị, áp dụng công nghệ mới để nâng cao sản lượng, thay thế sức người, giảm thiểu các yếu tố phụ thuộc vào sức người... Qua đó, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh. Nhưng bên cạnh các yếu tố khách quan đó, chính thái độ lao động của người Việt cũng là một vấn đề ảnh hưởng lớn tới hiệu suất lao động của một tổ chức, hay nói rộng ra là của cả nền kinh tế Việt Nam. Kể cả với những lao động giỏi, thái độ không quan trọng bằng trình độ.
Một người bạn Hàn Quốc sống ở TP HCM tâm sự với tôi rằng, ngày xa xưa, người Hàn cũng có thói quen đi muộn giờ, thái độ lao động hời hợt như nhiều người Việt bây giờ. Tuy nhiên, nửa thế kỷ qua, một trong những yếu tố tạo nên điều thần kỳ với nền kinh tế Hàn Quốc hùng mạnh như hiện nay một phần nhờ vào "văn hóa ppalli-ppalli" - có nghĩa là "nhanh nhanh". Tác phong nhanh nhẹn và hiệu suất lao động cao trong mọi công việc đã giúp cho giới doanh nghiệp phát triển mạnh. "Ppalli-ppalli" đã trở thành nguyên tắc vàng không chỉ với doanh nghiệp mà còn cả với chính phủ Hàn Quốc. Việc thực hành nó không chỉ trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của người dân Hàn mà còn in sâu vào đầu họ như một giá trị căn bản. Nhờ vào nền kinh tế vội vã này, Hàn Quốc đã đạt được những bước dài trong một thời gian ngắn.
Có thể ai đó thắc mắc là sao tôi không mừng vì phải trả ít lương cho công nhân hơn, hay là chúng tôi - giới chủ doanh nghiệp chỉ tìm cách tận dụng người lao động. Tôi chẳng thấy mừng bởi điều đó chẳng làm cuộc sống công nhân của tôi tốt hơn. Họ bị giảm thu nhập, doanh nghiệp bị giảm sức cạnh tranh, sức mạnh của nền kinh tế cũng giảm sút theo. Thu nhập của người lao động giảm, nhà nước cũng thất thu bởi thuế thu nhập cá nhân, các loại thuế khác đánh vào doanh nghiệp và cả năng suất lao động giảm đi, cộng thêm các bất ổn xã hội phát sinh do nhậu nhẹt, tai nạn giao thông khiến nhà nước phải tăng chi phí giải quyết. Nếu chủ lao động muốn tận dụng người lao động, họ có thể có nhiều cách chứ không phải chỉ nhờ tăng giảm vài ngày, vài giờ làm việc hay nghỉ.
Chẳng cần so sánh quá xa xôi với nước ngoài, chỉ cần so sánh doanh nghiệp nội với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã thấy sự khác biệt. Doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam cho công nhân nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật nhưng cường độ và thời gian làm việc trong tuần cao và dài hơn rất nhiều. Trong tòa nhà văn phòng của tôi có một số công ty Nhật Bản và Hàn Quốc, những ngày nghỉ của Việt Nam họ bắt buộc phải cho người Việt nghỉ nhưng nhân viên nước ngoài vẫn đi làm bình thường và vui vẻ. Tôi nghĩ nhu cầu làm việc, được cống hiến và thể hiện ý nghĩa của mình đối với xã hội, đồng thời có thêm thu nhập cũng là một nhu cầu quan trọng của con người.
Xây dựng một tác phong lao động hiệu quả, một thái độ sống và làm việc tích cực cho cả giới chức và người lao động chính là bước kiến tạo quyết định sức bật cho cả nền kinh tế, doanh nghiệp và người lao động.
Đinh Hồng Kỳ