Liệu sau này, thai có xoay ngôi không? Em thường xuyên đi bộ thì có giúp ngôi thai xoay không? Dây rốn quấn sớm như thế có nguy hiểm không?
Trả lời:
Đến tuần thứ 28-30, bé bắt đầu xoay ngôi trong bụng mẹ, nhiều bé xoay xong rồi lại tiếp tục xoay nữa. Bình thường, con so sẽ kết thúc quá trình xoay ngôi lúc 32 tuần tuổi. Quá trình thay đổi ngôi thai của con rạ muộn hơn, có thể kết thúc khi thai được 34-36 tuần. Thậm chí có những bé là con rạ, một ngày trước khi mẹ đi đẻ mới xoay ngôi.
Việc bé xoay ngôi là do tự bé, mẹ không tác động được. Kể cả mẹ có đi bộ cả 10km mỗi ngày cũng không thể tác động tới việc xoay ngôi của thai. Tuy nhiên, đi bộ có thể sẽ giúp cho trái tim thai phụ khỏe mạnh, chuẩn bị sức khỏe tốt cho cuộc vượt cạn.
Dây rốn của thai nhi thường dài từ 45 đến 60 cm, nếu quấn một vòng quanh cổ bé sẽ mất khoảng 20cm, do đó thai nhi vẫn có thể xoay được. Không bác sĩ nào có thể đo được độ dài chính xác của dây rốn thai nhi trong bụng mẹ. Khi người mẹ có dấu hiệu chuyển dạ, bác sĩ sẽ thăm khám để chỉ định mẹ có thể sinh ngả âm đạo hay không, chứ không có nghĩa cứ dây rốn quấn cổ một vòng là phải chỉ định đẻ mổ.
Dây rốn ngắn quá có thể sẽ nguy hiểm cho bé khi tử cung co bóp mạnh. Nhiều bé dây rốn ngắn quá, xoay từ ngôi mông đến ngôi ngang rồi lại xoay trở lại ngôi mông, chứ không xuôi đầu xuống dưới như đa số.
Bác sĩ Vũ Thị Thanh Dung
Bệnh viện phụ sản Hùng Vương