Gần như mỗi ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, trong chiếc áo màu xanh quân đội, đều quay video gửi thông điệp đến người dân, đôi khi ngồi tại bàn làm việc, những lần khác đứng ngoài trời trong đêm tối. Gần đây, ông cảnh báo về những khó khăn sẽ đến, khi chiến sự với Nga chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
"Tất cả chúng ta đều muốn chiến thắng, tất cả chúng ta, nhưng sẽ có những trận chiến ở phía trước", Zelensky nói hôm 1/4. "Chúng tôi vẫn còn cả một chặng đường khó khăn để đi tới mục tiêu đang phấn đấu".
Khi chiến dịch quân sự của Nga bước sang tuần thứ 6, hàng loạt thách thức đang nảy sinh buộc ông phải đối mặt. Ông phải giữ vững tinh thần và ý chí chiến đấu cho Ukraine, trong bối cảnh thương vong vì chiến sự tăng, kinh tế bị tàn phá nặng nề và cuộc sống của người dân ngày càng khó khăn. Ông cũng phải giữ được niềm tin của các quốc gia phương Tây rằng Ukraine có thể đứng vững trước đà tiến công của Nga, để duy trì nguồn viện trợ vũ khí cho Kiev.
Nhưng ông cũng phải tìm hiểu nếu một thỏa thuận chính trị nhằm kết thúc xung đột được thống nhất với Nga, liệu người dân Ukraine có sẵn sàng chấp nhận trong một cuộc trưng cầu dân ý hay không.
"Ông ấy đã dựa vào tinh thần dân tộc của người Ukraine để chiến đấu, nhưng đây cũng chính là điều khiến cuộc chiến khó chấm dứt", Keith Darden, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Mỹ, nhận xét.
Tổng thống Zelensky trong nhiều tháng qua đã không thể thúc đẩy cuộc gặp trực tiếp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin nhằm thảo luận một số yêu cầu của Moskva. David Arakhamia, trưởng phái đoàn đàm phán Ukraine, hôm 2/4 cho biết Kiev đang chuẩn bị cho một cuộc gặp có thể diễn ra giữa ông Zelensky và ông Putin tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm qua nhấn mạnh cuộc gặp chỉ có thể diễn ra khi phái đoàn đàm phán hai bên "thống nhất được một thỏa thuận cụ thể bằng văn bản".
Với Tổng thống Zelensky, bất kỳ thỏa thuận nào với Điện Kremlin cũng là một thách thức chính trị.
Một kịch bản có thể xảy ra là xung đột sẽ kéo dài nếu ông không cảm thấy mình được công chúng ủng hộ khi thực hiện những thỏa hiệp cần thiết để chấm dứt cuộc chiến. Một khả năng khác là tinh thần ủng hộ mạnh mẽ của công chúng dành cho ông sẽ xói mòn nếu hiệp định hòa bình với Nga được ký kết mà không nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân.
Zelensky đang đặt nền móng để chấm dứt tham vọng gia nhập NATO đã được quy định trong hiến pháp, lưu ý rằng liên minh này không sẵn sàng chấp nhận kết nạp Ukraine. Thay vào đó, ông tập trung nỗ lực vào mục tiêu đảm bảo Ukraine được kết nạp làm thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Lãnh đạo Ukraine đã cho thấy ông là một người linh hoạt và thực tế. Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Economist tháng trước, Tổng thống Zelensky xác định chiến thắng với ông là "có thể cứu nhiều mạng sống nhất".
"Đất đai của chúng tôi rất quan trọng, nhưng cuối cùng nó chỉ là lãnh thổ", ông nói.
Nhưng cùng lúc, Zelensky cũng tuyên bố sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.
Ông đồng thời cảnh báo rằng các lực lượng Nga có khả năng sẽ tái tập kết để tập trung tấn công một số khu vực, đặc biệt là những nơi mà lực lượng Ukraine gặp khó khăn nhất. Zelensky cũng kêu gọi người dân Ukraine sẵn sàng cho một cuộc xung đột kéo dài.
"Hiện tại, mọi người dân Ukraine đều muốn kháng cự", Mikhail Minakov, nhà phân tích chính trị Ukraine tại Viện Kennan, Mỹ, bình luận. Tổng thống Zelensky "sẽ phải tìm cách để cân bằng, vừa duy trì tinh thần đó, nhưng cũng phải tìm ra một giải pháp".
Trước viễn cảnh có thể gặp trực tiếp Tổng thống Putin để đàm phán hòa bình, Zelensky đang được trang bị một nền tảng vững chãi với ủng hộ chính trị từ người dân cũng như những thành công trên chiến trường. Dù vậy, thách thức đặt ra là liệu ông có khả năng biến lợi thế chính trị đó thành một nền hòa bình lâu dài được hầu hết người Ukraine chấp nhận hay không, giới quan sát đánh giá.
Chưa rõ liệu đây có phải là thời điểm thuận lợi cho ông hay không, vì các lực lượng Nga vẫn tỏ ra quyết tâm giành quyền kiểm soát thêm lãnh thổ ở phía đông và Ukraine đến giờ vẫn không sẵn sàng từ bỏ bất kỳ vùng đất nào mà Nga đã tuyên bố kiểm soát từ sau khi mở chiến dịch quân sự ngày 24/2.
Serhiy Leshchenko, cựu thành viên quốc hội Ukraine, người đang cố vấn cho chánh văn phòng của Tổng thống Zelensky, cho biết dù muốn tiếp tục kháng cự, có lẽ người dân Ukraine ở những khu vực đang bị bao vây muốn và cần một thỏa thuận ngừng giao tranh hơn.
"Những người sống dưới bom đạn ở Mariupol, Kharkov và Chernihiv có ít quyền truy cập vào mạng xã hội hơn nhiều so với những người ở nơi an toàn", Leshchenko nói, trước khi lưu ý đến tình thế khó khăn mà Tổng thốnthốngensky phải đối mặt.
"Mọi người muốn ngừng xung đột, muốn cuộc sống bình thường trở lại", Leshchenko nói. "Nhưng mọi người cũng muốn bảo vệ Ukraine. Họ không muốn mất lãnh thổ và chủ quyền".
Vũ Hoàng (Theo Washington Post)