Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và các đồng minh châu Âu đang lập kế hoạch đảm bảo an ninh và sự hỗ trợ quân sự dài hạn cho Ukraine, trong bối cảnh chiến sự với Nga đã kéo dài hơn 18 tháng và một số dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ với Kiev đã bắt đầu lung lay.
Kế hoạch này được xây dựng dựa trên tuyên bố chung về khuôn khổ an ninh dài hạn cho Ukraine được các lãnh đạo G7 đưa ra hôm 12/7 bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO ở Litva. Theo khuôn khổ này, từng quốc gia thành viên G7, gồm Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Mỹ, Anh và Canada, sẽ ký thỏa thuận song phương với Kiev, nêu chi tiết loại vũ khí họ sẽ cung cấp, nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine.
Mỹ và Anh sau đó bắt đầu các cuộc đàm phán song phương với Ukraine, với mục tiêu dài hạn là đảm bảo Kiev đủ mạnh trong tương lai để ngăn Nga tấn công nước này lần nữa. Còn trước mắt, các nước phương Tây hy vọng cam kết này có thể dập tắt hy vọng của Nga rằng sự hỗ trợ của Mỹ và châu Âu dành cho Ukraine sẽ giảm dần theo thời gian.
Tổng thống Volodymyr Zelensky hôm 26/8 thông báo hơn 27 quốc gia đã tham gia khuôn khổ về đảm bảo an ninh lâu dài cho Ukraine theo sáng kiến được G7 đưa ra, nhưng không nêu cụ thể.
Tuy nhiên, các quan chức phương Tây cảnh báo kế hoạch đảm bảo an ninh cho Ukraine sẽ cần thêm nhiều tháng để chuẩn bị, trong đó một số thỏa thuận song phương chỉ có thể được thống nhất vào năm tới và tham vọng này vẫn đối mặt nhiều thách thức.
Một vấn đề nổi cộm là liệu các nước tham gia kế hoạch có thể bảo đảm nguồn ngân sách quân sự cho Ukraine trong nhiều năm tới, trong trường hợp lãnh đạo hiện tại có thể không còn nắm quyền sau các cuộc bầu cử.
Nỗi lo này được thể hiện rõ nhất ở Mỹ, nước sẽ bầu cử tổng thống vào năm sau và Donald Trump, ứng viên hàng đầu của đảng Cộng hòa, từng tuyên bố sẽ giảm hỗ trợ Ukraine nếu ông đắc cử.
Các đồng minh châu Âu đã chuẩn bị trước khả năng các cam kết dài hạn của chính quyền Tổng thống Biden với Ukraine sẽ không đủ mạnh mẽ hoặc quá mơ hồ để đảm bảo khả năng răn đe với Nga. Dù ông Biden nói trong hội nghị thượng đỉnh NATO ở Litva rằng Washington "sẽ đàm phán cam kết song phương dài hạn" với Kiev, giới chức Mỹ cho biết họ chưa định hình được những thỏa thuận an ninh sẽ đưa ra.
Một trong những đề xuất là Mỹ và Ukraine sẽ ký một bản ghi nhớ về hỗ trợ an ninh lâu dài, bởi nó sẽ không cần sự phê chuẩn của quốc hội, theo nguồn tin từ chính quyền ông Biden.
Ngày 3/8, Bộ Ngoại giao Mỹ nói đã chủ trì cuộc họp đầu tiên về thỏa thuận dài hạn dành cho Kiev với sự tham gia của các quan chức Ukraine, đại diện Lầu Năm Góc và Nhà Trắng.
"Các cam kết an ninh song phương của chúng tôi sẽ tập trung vào bảo đảm Ukraine có lực lượng bền vững đủ khả năng bảo vệ nước này ở hiện tại và ngăn nguy cơ bị tấn công trong tương lai", Bộ Ngoại giao Mỹ nói.
Giới phân tích và một số quan chức cho rằng cam kết sẽ hiệu quả hơn nếu Mỹ và đồng minh xác định thời gian giao những loại vũ khí có thể giúp cải thiện an ninh cho Ukraine trong dài hạn.
"Những gì Mỹ cần làm là đưa ra những cam kết cụ thể về loại vũ khí sẽ cung cấp cho Ukraine, trong đó có F-16 hoặc các loại chiến đấu cơ khác", Seth Jones, giám đốc chương trình an ninh quốc tế tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế ở Mỹ, nói.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho hay lưỡng đảng quốc hội Mỹ vẫn dành ủng hộ mạnh mẽ cho Ukraine, bất chấp phản đối từ một số đảng viên Cộng hòa ở Hạ viện. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo điều này sẽ được duy trì nếu ông Trump thắng trong bầu cử năm sau.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump từng rút Mỹ khỏi hiệp định khí hậu Paris và thỏa thuận hạt nhân với Iran, phá vỡ các cam kết mà những người tiền nhiệm đưa ra. Nếu chỉ ký một bản ghi nhớ với Ukraine thay vì một thỏa thuận mang tính ràng buộc pháp lý được thông qua tại quốc hội Mỹ, chính quyền ông Biden khó đảm bảo được tính lâu dài của nó.
Nếu ông Biden không tái đắc cử và người kế nhiệm phá bỏ cam kết, cắt giảm đáng kể viện trợ cho Ukraine, châu Âu khó có đủ năng lực tài chính và quân sự để lấp đầy khoảng trống của Mỹ. Họ sẽ phải "thắt lưng buộc bụng" để dành ngân sách cho Ukraine, điều có thể vấp phải phản ứng dữ dội từ dư luận trong nước.
Các nước hàng đầu châu Âu như Anh và Đức đều dành khoảng 7-8 tỷ USD viện trợ vũ khí cho Ukraine, nhưng con số này chiếm chưa tới 1/5 số hỗ trợ của Mỹ, theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel.
Anh hồi giữa tháng 8 trở thành quốc gia thứ hai sau Mỹ bắt đầu đàm phán cam kết an ninh với Ukraine. Sau các cuộc thảo luận, Andriy Yermak, chánh văn phòng tổng thống Ukraine kiêm trưởng phái đoàn Kiev, nói chính phủ của ông hy vọng đạt các thỏa thuận đầu tiên vào cuối năm 2023.
Một quan chức cấp cao Pháp nói rằng Paris dự kiến bắt đầu đàm phán về thỏa thuận an ninh với Ukraine trong vài tuần tới. Quan chức Mỹ cũng nói họ hy vọng sẽ tổ chức cuộc họp thứ hai với Ukraine trong tương lai gần.
Các nước châu Âu khác chưa bắt đầu đàm phán với Ukraine, song Pháp và Đức đang phác thảo những loại hỗ trợ mà họ có thể cung cấp lâu dài cho Ukraine.
Hồi cuối tháng 3, ủy ban ngân sách quốc hội Đức thông qua khoản tài trợ ngân sách quốc phòng trị giá 3,5 tỷ USD cho Ukraine trong năm nay và mức hỗ trợ khoảng 9,5 tỷ USD trong giai đoạn 2024-2032.
Quốc hội Pháp hồi tháng 7 phê duyệt kế hoạch tăng chi tiêu quân sự cho giai đoạn 2024-2030, được thúc đẩy một phần do nhu cầu tăng năng lực quân sự và công nghiệp quốc phòng để hỗ trợ Ukraine.
Tuy nhiên, việc xây dựng một khuôn khổ hỗ trợ đáng tin cậy và lâu dài của phương Tây dành cho Ukraine không phải nhiệm vụ dễ dàng, trước khi các đồng minh có thể vạch rõ mục tiêu dài hạn của họ, theo Jones.
"Mục tiêu lớn hơn của Mỹ và NATO sẽ như thế nào? Họ chưa công khai lộ trình đó", ông nói.
Thanh Tâm (Theo WSJ)