Xung đột Nga - Ukraine tuần qua khiến NATO chấn động, khi một tên lửa ngày 15/11 rơi xuống ngôi làng ở biên giới Ba Lan, khiến hai dân thường thiệt mạng. Ngay sau sự việc, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda nói rằng tên lửa gây ra vụ nổ ở làng Przewodow gần biên giới Ukraine "rất có thể do Nga sản xuất".
Tuyên bố của ông Duda châm ngòi làn sóng hoang mang trên khắp thế giới về nguy cơ chiến sự Ukraine leo thang thành một cuộc xung đột lớn hơn. Một số quốc gia thành viên NATO khi đó đã thể hiện ý chí sẽ bảo vệ từng tấc lãnh thổ trong liên minh quân sự lớn nhất thế giới mà Ba Lan là thành viên.

Hiện trường vụ rơi tên lửa ở làng Przewodow của Ba Lan, gần biên giới Ukraine, hôm 17/11. Ảnh: Reuters.
Trên mạng xã hội, nhiều nhà phân tích quân sự nhận định đây có thể là thời điểm liên minh sẽ viện dẫn Điều 4 hoặc thậm chí Điều 5 Hiến chương NATO.
Điều 4 Hiến chương NATO nêu rõ các quốc gia thành viên "sẽ cùng nhau tham vấn bất cứ khi nào, theo đề xuất từ bất kỳ ai trong số họ, về sự toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chính trị hoặc an ninh" của một thành viên khác khi họ bị đe dọa.
Điều 5 Hiến chương nhấn mạnh "một cuộc tấn công vũ trang chống lại một hoặc nhiều thành viên NATO sẽ được coi là đòn tấn công chống lại tất cả các thành viên" và liên minh có thể sử dụng vũ lực để đáp trả.
Tình hình càng căng thẳng hơn khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cáo buộc tên lửa Nga đã rơi xuống Ba Lan, gọi đây là "bước leo thang rất nghiêm trọng" và kêu gọi các đồng minh phương Tây "phải hành động". Các quốc gia vùng Baltic cũng nhanh chóng đổ lỗi cho Nga, kêu gọi NATO hành động.
Alexander Lanoszka, phó giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Waterloo, Canada, nhận định sự cố ở Ba Lan đặt NATO trước tình thế vô cùng khó khăn. Họ phải bảo vệ được đồng minh, trấn an nỗi lo lắng của họ trước mối đe dọa từ Nga, nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo xung đột ở Ukraine không vượt tầm kiểm soát.
Nếu NATO nhận định tên lửa rơi xuống Ba Lan do Nga khai hỏa và vụ nổ là một cuộc tấn công có chủ đích, liên minh sẽ phải xem xét đến biện pháp quân sự chống lại Nga, nhất là dưới sự thúc ép của Ukraine và các nước vùng Baltic.
Nhưng can thiệp quân sự trực tiếp chống lại Nga là hành động "quá rủi ro" vì có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh hạt nhân mang tính hủy diệt. Vì thế, bài toán đặt ra cho NATO là họ phải tính toán cân bằng từng bước đi cũng như phản ứng của mình.
NATO rốt cuộc đã không bị cuốn vào vòng xoáy leo thang như vậy, dù căng thẳng với Nga đang ở đỉnh điểm. Thay vào đó, họ tìm cách xoa dịu nỗi sợ hãi của các thành viên ở sườn đông, đồng thời thu thập dữ liệu đáng tin cậy về vụ rơi tên lửa. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg luôn duy trì lập trường thận trọng và không đổ lỗi cho Nga, trong lúc ông chờ đợi thông tin tình báo từ Ba Lan.
Kamil Zwolski, phó giáo sư chính trị quốc tế tại Đại học Southampton, Anh, cho rằng NATO hiểu rất rõ mức độ nhạy cảm của tình hình. Bất cứ phát biểu, hành động nào thiếu cân nhắc của họ vào thời điểm đó đều củng cố tuyên bố của Nga rằng phương Tây đang "thúc đẩy Thế chiến III".
Một ngày sau vụ nổ, tình hình dần được làm sáng tỏ nhờ dữ liệu từ hiện trường của Ba Lan và thông tin tình báo vệ tinh của phương Tây. Tổng thống Duda cùng các đồng minh phương Tây nói rằng vụ nổ có thể là một sự cố xuất phát từ phía Ukraine, và không điều khoản nào trong Hiến chương NATO được kích hoạt, giúp thế giới tránh một cuộc khủng hoảng lớn hơn.
Tổng thư ký NATO Stoltenberg nói rằng theo phân tích sơ bộ, một tên lửa phòng không Ukraine đã được khai hỏa để đánh chặn tên lửa hành trình Nga tập kích lãnh thổ, nhưng không trúng mục tiêu và rơi xuống lãnh thổ Ba Lan, gây ra vụ nổ.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng Nga vẫn phải chịu trách nhiệm khi là bên khơi mào cuộc xung đột ở Ukraine. "Hãy để tôi nói rõ, đây không phải lỗi của Ukraine", Stoltenberg nhấn mạnh.
Jim Townsend, phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về châu Âu và NATO dưới thời cựu tổng thống Barack Obama, hoan nghênh cách tiếp cận của NATO, trong bối cảnh những thông tin được tung ra sau sự cố "bị biến thành một vòng xoáy hỗn loạn thực sự".
"Tôi nghĩ NATO đã làm rất tốt khi cân nhắc rất kỹ lưỡng và thận trọng, vẽ lại bức tranh toàn cảnh tình hình dựa trên các dữ liệu thực tế", ông nói. "Mỹ cũng đã hành động đúng mực giữa một môi trường mà mọi thứ đều rất mơ hồ với nhiều thông tin trái chiều".

Binh sĩ Ba Lan tìm kiếm mảnh vỡ trên cánh đồng gần nơi xảy ra vụ rơi tên lửa ở làng Przewodow, giáp biên giới Ukraine, ngày 17/11. Ảnh: AP.
Dù vậy, vụ nổ tên lửa cũng cho thấy "lãnh thổ NATO không hoàn toàn bất khả xâm phạm trước những thách thức phòng không mà Ukraine phải đối mặt", phó giáo sư Lanoszka nhận định.
Theo ông, sự cố này có thể thúc đẩy NATO cung cấp cho Ukraine những khí tài mạnh mẽ hơn cho Kiev, ông cho hay. "Đó có thể là các hệ thống phòng không tiên tiến, nhưng cũng có thể là Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân MGM-140 có tầm bắn 300 km trang bị cho pháo HIMARS mà Ukraine muốn sở hữu từ lâu", Lanoszka nói.
Theo Townsend, nếu Nga vẫn tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch quân sự của mình ở Ukraine, phương Tây và NATO cũng sẽ phải tập trung gửi nhiều hệ thống phòng không hơn đến các quốc gia giáp biên giới với Nga và Ukraine, trong đó có Ba Lan.
"Họ có thể cần thêm một số hệ thống tên lửa Patriot hoặc thứ gì đó tương tự dọc theo các tuyến biên giới, bởi sẽ còn những sự việc tương tự xảy ra khi xung đột tiếp diễn", ông nói. "Chúng ta cần phải sẵn sàng trước những tình huống như thế".
Phát biểu với các phóng viên tại Brussels, Tổng thư ký NATO Stoltenberg cho biết vụ nổ ở Ba Lan nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hơn nữa sức mạnh quân sự ở sườn đông của liên minh, cũng như hỗ trợ Ukraine.
Trong lúc các quốc gia NATO tiếp tục hỗ trợ Ba Lan tiến hành cuộc điều tra, Townsend cho hay ông hy vọng liên minh sẽ công bố một báo cáo trình bày chi tiết toàn bộ quá trình điều tra và những hành động tương lai của khối.

Vị trí tên lửa rơi xuống ngôi làng biên giới Przewodow của Ba Lan. Đồ họa: Guardian.
"Liên minh đã làm rất tốt trong nỗ lực xử lý cuộc khủng hoảng này, nhưng nhiều bài học cũng cần được rút ra khi NATO tiếp tục phải đương đầu với cuộc xung đột và hỗ trợ Ukraine", ông nói. "Vì vậy, một nghiên cứu đánh giá NATO đã làm đúng những gì và cần phải làm gì để ngăn chặn những sự cố tương tự trong tương lai có thể sẽ rất hữu ích".
Vũ Hoàng (Theo Al Jazeera)