Bản đồ 5G của hãng nghiên cứu Ookla cho thấy Đông Nam Á là một trong những vùng có mật độ trạm phát sóng 5G thấp nhất. Nhiều nước, trong đó có Việt Nam chưa thương mại hóa công nghệ này.
Theo báo cáo của GSMA Intelligence, châu Á - Thái Bình Dương (APAC) là khu vực có nhiều nước đi đầu về công nghệ 5G trên thế giới. Tỷ lệ thâm nhập mạng 5G tại những quốc gia phát triển ở đây dự kiến đạt 67% vào năm 2025 - cao nhất thế giới. Tuy nhiên, đây cũng là khu vực không đồng đều nhất của thị trường viễn thông, khi ở những nước đang phát triển, tỷ lệ chỉ đạt 9%. Thậm chí với 4G, báo cáo của Huawei cho thấy tỷ lệ thâm nhập mạng 4G tại các nước dao động từ 40% đến 100%, lưu lượng dữ liệu 4G của thiết bị cầm tay trung bình mỗi người dùng mỗi tháng dao động từ 5 GB đến 40 GB.
"Cả nhân khẩu học lẫn lưu lượng truy cập, nhu cầu sử dụng dịch vụ viễn thông của người tiêu dùng vẫn chưa được khai thác đầy đủ", Abel Deng, Chủ tịch phụ trách kinh doanh các giải pháp viễn thông của Huawei APAC, nói tại triển lãm MWC 2023 tuần trước. Trong khi đó, 5G được đánh giá là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy kinh tế số cũng như thu hẹp khoảng cách giữa các nước.
Lấy ví dụ tại Thái Lan, đã có những hầm mỏ triển khai xe tải không người lái dựa trên kết nối 5G. Với đặc thù hầm mỏ thường được đặt ở khu vực hẻo lánh, thiếu mạng lưới thông tin liên lạc, 5G cung cấp cả kết nối liên lạc hàng ngày cho công nhân và ứng dụng quản lý đội khai thác, từ đó cải thiện năng suất và sự an toàn cho nhân viên. Thái Lan cũng là một trong những nước đầu tiên triển khai dịch vụ tư vấn y tế từ xa qua 5G. Ngoài ra, thành phố thông minh 5G ở Pattaya giúp tăng cường quản trị đô thị, giảm hơn 20% số ngày ô nhiễm.
Tại Indonesia, ông Deng cho biết dịch vụ khai thác mỏ thông minh đã giúp tăng hiệu quả sản xuất lên 60% và giảm mức tiêu thụ nhiên liệu xuống 30%. Trong khi ở Malaysia, nền tảng khai thác dầu khí ngoài khơi 5G đầu tiên của khu vực đã được triển khai, kết hợp cùng công nghệ AR và IoT để cải thiện độ tin cậy của hệ thống với chi phí thấp.
Tuy nhiên, những ứng dụng như trên hiện chưa nhiều, do thách thức về tình hình thương mại hóa 5G tại các nước. Ngoài ra, chi phí vận hành và mật độ trạm phát sóng vật lý còn thấp cũng là lý do khiến công nghệ mới chưa phổ biến.
"Cần giải quyết những thách thức về số ít các trạm phát sóng vật lý và khoảng cách lớn giữa các trạm phát sóng", ông Deng nói.
Để giải bài toán này, nhiều công nghệ mới dự kiến được áp dụng thời gian tới. Ví dụ trong hạ tầng, giải pháp MetaAAU tăng cường các mảng ăng-ten tại trạm thu phát sóng lên 384, gấp đôi thế hệ cũ, kết hợp sử dụng chùm tia hẹp và năng lượng tập trung, được cho là sẽ giúp chất lượng truyền dẫn tăng 30%, trong khi tiêu thụ năng lượng giảm 30% so với thế hệ cũ. Giải pháp này cải thiện hiệu quả vùng phủ sóng cả ở những nơi có nhiều vật cản, giảm chi phí, giúp nhà mạng dễ dàng triển khai hơn.
Tại MWC 2023, công nghệ 5.5G cũng được đề cập, mang đến tốc độ 10 Gbps, kết nối được 100 tỷ thiết bị, cho tốc độ cao hơn 10 lần và độ trễ giảm 10 lần so với 5G. Khi áp dụng, kết nối này có thể ứng dụng trong các lĩnh vực như game nhập vai, điện toán đám mây, IoT, thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực.
Theo dự báo của GSMA, tỷ lệ thâm nhập 4G tại APAC sẽ đạt đỉnh 71% năm nay, sau đó giảm dần về 69% vào năm 2025. Thay vào đó, kết nối thế hệ mới sẽ ngày càng phổ biến trong khu vực, với hơn 400 triệu kết nối vào mạng 5G năm 2025, cao gấp bốn lần 2022.
Lưu Quý