Theo cơ quan thống kê Hàn Quốc, năm 2023 nước này có hơn 193.000 cặp kết hôn, tăng 1% so với năm 2022. Số liệu của Trung Quốc cũng cho thấy năm 2023 nước này có 7,68 triệu cặp kết hôn, tăng khoảng 847.000 so với năm 2022.
Một số người hy vọng sự thay đổi này có thể xoay chuyển tình hình nhân khẩu học quốc gia, trên thực tế, dữ liệu chỉ củng cố xu hướng giảm rộng hơn.
Tại Hàn Quốc, một quan chức chính phủ cho rằng số đám cưới gia tăng thực chất là những người trì hoãn kết hôn do dịch Covid-19. Trong khi đó, nhà nhân khẩu học He Yafu của Trung Quốc cũng đưa ra lý do tương tự.
Giáo sư khoa học xã hội và chính sách công Stuart Gietel-Basten của Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, nhận xét hôn nhân dường như vẫn đang có xu hướng giảm ở châu Á.
Chính phủ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản đều cố gắng khuyến khích mọi người lập gia đình để nâng cao tỷ lệ sinh và chống lại tác động của dân số già. Năm 2023, một huyện ở Trung Quốc đã treo thưởng 1.000 tệ cho các cặp vợ chồng dị tính mới cưới nếu cô dâu dưới 25 tuổi trong nỗ lực thúc đẩy "hôn nhân và sinh con phù hợp với lứa tuổi".
Tại Hàn Quốc, nơi có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới và dân số dự kiến giảm một nửa vào năm 2100, chính phủ đã chi khoảng 380 nghìn tỷ won trong 20 năm qua để ứng phó với xã hội già hóa và tăng tỷ lệ sinh.
Giáo sư Gietel-Basten nói rằng, nếu tính theo số học, các cuộc hôn nhân tăng cũng làm tăng tỷ lệ sinh, giả sử phụ nữ đã kết hôn có nhiều khả năng sinh con hơn phụ nữ chưa kết hôn. Song, nó chưa tính tới xu hướng phụ nữ sinh ít con hơn, ngoài một số lượng đáng kể không có con, đồng nghĩa tỷ lệ sinh vẫn sẽ giảm.
Từ lâu, các chuyên gia nhân khẩu học đã cho rằng sự suy giảm của hôn nhân là do các chi phí liên quan hôn nhân. Không phải là mọi người không muốn kết hôn mà họ từ chối những kỳ vọng của xã hội xung quanh việc chăm sóc gia đình chồng, sự tự do và tự chủ mà phụ nữ dự kiến phải từ bỏ, cũng như chi phí nuôi dạy con cái cao. Kết quả là một số người không kết hôn, trong khi nhiều người trì hoãn việc kết hôn càng lâu càng tốt.
Dữ liệu điều tra dân số của Trung Quốc cho thấy độ tuổi trung bình khi kết hôn lần đầu vào năm 2010 là 25,75 tuổi đối với nam và 24 đối với nữ. Vào năm 2020, con số này tăng lên 29,38 tuổi đối với nam và 27,95 đối với nữ. Tại Hàn Quốc, độ tuổi kết hôn trung bình của đàn ông vào năm 2023 là 34 và đối với nữ là 31,5 – tăng so với 10 năm trước (lần lượt là 32,2 và 29,6).
Theo Zheng Mu, trợ lý giáo sư tại khoa Xã hội học và nhân chủng học tại Đại học Quốc gia Singapore, không chỉ đơn giản thúc đẩy nhiều người kết hôn hơn, các nhà hoạch định chính sách cần xem xét các vấn đề liên quan rộng lớn hơn. Bà nhận xét nhà chức trách mới chạm đến bề nổi của vấn đề. Nếu không làm cho mọi người cảm thấy thoải mái để theo đuổi cuộc sống một cách tự chủ, chính sách sẽ không có hiệu quả.
Gietel-Basten lập luận rằng, thay vì tìm cách đảo ngược hiệu ứng của thay đổi nhân khẩu học, các chính phủ phải học cách thích nghi vì việc đảo ngược "rất khó, nếu không muốn nói là không thể".
Huy Phương (Theo Time)