Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) vừa tổ chức tọa đàm trực tuyến Webinar#1 - Covid Endgame với chủ đề: "Việt Nam đã sẵn sàng cho số hóa y tế cộng đồng" thu hút hàng nghìn lượt theo dõi trên kênh trực tuyến.
Các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế tham dự có nhiều đánh giá, chia sẻ về cơ hội và thách thức để Việt Nam chuyển đổi số ngành y tế thời gian tới.
Mở đầu buổi tọa đàm, TS.BS. Bạch Quốc Khánh - Viện trưởng viện Huyết học và truyền máu Trung ương) cho biết hiện, các bệnh viện đã áp dụng nền tảng công nghệ cơ bản, đạt hiệu quả giảm tải hoạt động cũng như đáp ứng yêu cầu chi phí. Các ứng dụng y tế trên smartphone cũng được xây dựng để kết nối bệnh nhân và bệnh viện nhằm tư vấn sức khỏe cũng như lưu trữ thông tin khai báo y tế. Với ngành y, đây là một bước tiến lớn trong công tác nghiên cứu và chữa bệnh. Tuy nhiên, với người khám chữa bệnh thì đó lại là một câu chuyện khác.
Theo TS. Võ-Reinhard Quy - Giám đốc Nghiên cứu và phát triển tại Centiva Health, đồng thời là Giám đốc Dữ liệu & đồng sáng lập HIT Foundation - Thụy Sĩ, khi gặp những triệu chứng bệnh lý, phần đông người bệnh sẽ tra cứu trên Internet để tự chữa trị, nhưng nguồn gốc và mức độ đáng tin cậy của những thông tin này không hề được kiểm soát. Tại Việt Nam, bệnh nhân vẫn có thể tự ý mua nhiều loại thuốc, điển hình là tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh. Việc áp dụng kỹ thuật số trong y tế sẽ giảm thiểu các nguy cơ do tự chẩn đoán, nhờ vào kiến thức y tế tích hợp tra cứu và chẩn đoán từ xa theo bệnh án cá nhân.
Đồng tình quan điểm và từ kinh nghiệm bản thân, TS. BS. Trần Huỳnh - Giám đốc điều hành Trung tâm Y tế Wynn, Mỹ) cho biết sau khi gặp mặt trực tiếp với bệnh nhân, quá trình tiến hành chẩn đoán thông qua video đã chứng minh hiệu quả khi kết hợp cùng các dữ liệu y tế có sẵn của bệnh nhân, đặc biệt là chuyên ngành khớp và da liễu.
"Với đặc thù hiện tại của nền y tế Việt Nam, những ứng dụng công nghệ có thể kết hợp cùng sự hỗ trợ của các y bác sĩ để triển khai các bước khám sàng lọc, giảm tải cho hệ thống cơ sở y tế, bên cạnh vai trò tư vấn chăm sóc sức khỏe", vị này cho biết.
Với độ tuổi trung bình dân số trẻ và tỷ lệ sử dụng điện thoại di động cao, công nghệ thông tin tại Việt Nam đang được ưu tiên đầu tư. Internet phủ sóng rộng rãi tại nhiều tỉnh thành, ngay cả ở vùng sâu vùng xa. Các chuyên gia đánh giá, trong tương lai, việc xây dựng một nền tảng kỹ thuật số để bác sĩ và bệnh nhân được kết nối làm việc trực tiếp, đi kèm với tư vấn kiến thức y tế và quản lý hồ sơ bệnh án chuẩn hóa sẽ là một nguồn cơ sở dữ liệu tốt để phục vụ các nghiên cứu chuyên sâu cũng như chữa trị hiệu quả hơn.
Khai thác dữ liệu y tế
Theo các chuyên gia, hiện blockchain, cơ sở dữ liệu mở (open database) phân cấp quyền truy cập đều đảm bảo quyền riêng tư của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, để sử dụng công nghệ mới này cần một khung pháp lý nghiêm ngặt để đảm bảo quyền sở hữu dữ liệu cá nhân.
Tại Thông tư 46 ban hành 2018, Bộ Y tế có các quy định về điều kiện hạ tầng và phạm vi của các đơn vị được phép cung cấp dịch vụ y tế từ xa, cũng như quy định về tính riêng tư và bảo mật của hồ sơ bệnh án điện tử.
"Đi cùng với công nghệ, Việt Nam cần với bổ sung thêm chế tài pháp lý, đồng bộ cơ sở hạ tầng trong mô hình quản lý; trở thành nền tảng đổi mới các dịch vụ chăm sóc sức khỏe", chuyên gia nói.
TS. Võ-Reinhard Quy cho rằng, hiệu quả lâu dài của việc số hóa cần sự đồng bộ các yếu tố kỹ thuật. Hiện nay, cơ sở hạ tầng và khả năng số hóa tại nhiều cơ sở y tế địa phương hiện còn hạn chế. Mặt khác, những dữ liệu y tế tại Việt Nam như bệnh án cá nhân, các ghi chú lâm sàng, các hình ảnh chẩn đoán - điều trị... đang lưu trữ phi tập trung và phần lớn chưa được số hoá. Sự thiếu đồng bộ và kết nối giữa các hệ thống gây mất thời gian trong xử lý thông tin và làm chồng chéo các công đoạn.
Trong khi đó, mức độ quan tâm đối với các ứng dụng chăm sóc sức khỏe chưa cao. Muốn đẩy nhanh tốc độ số hóa y tế, người dân thay đổi thói quen dùng ứng dụng số trong việc chăm sóc sức khỏe. Những đối tượng khó tiếp cận với công nghệ như người già, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số... cần được hỗ trợ nhiều hơn để sử dụng hiệu quả các dịch vụ này.
Khánh Cường
Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam Toàn cầu AVSE Global có trụ sở tại Paris, tiên phong trong tư vấn chiến lược, đào tạo quản lý cấp cao và tổ chức diễn đàn chuyên môn thông qua kết nối chuyên gia, trí thức người Việt toàn cầu để đóng góp cho Việt Nam. AVSE Global có mặt trên 20 quốc gia, với hơn 300 hội viên quy tụ hơn 2.000 chuyên gia và là mạng lưới của trên 10.000 chuyên gia toàn cầu.
Hack4Growth là một cuộc thi về ý tưởng, giải pháp, sản phẩm đối mới sáng tạo tổ chức bởi AVSE Global bao gồm 2 đợt:
Đợt 1: Kiến tạo nền tảng và Văn hoá đổi mới, sáng tạo vì Việt Nam
Đợt 2: Chung tay tìm ra giải pháp, và truyền cảm hứng, niềm tin hành động vượt qua khó khăn kinh tế, xã hội trong và hậu Covid
Thông tin chi tiết về cuộc thi Hack4Growth - Covid Endgame
Website: https://www.hack4growth.org/
Fanpage: https://www.facebook.com/VILinks.AVSEGlobal
Email: hack4growth@vietnaminnovationlinks.org