Với người Hải Phòng, thạch găng là quà vặt thường mang nhiều kỷ niệm ấu thơ. Ưu điểm là giá cả phải chăng, hương vị ngon ngọt, thơm mát, giúp giải khát ngày hè. Từ khi đến Hà Nội, món này chiếm được cảm tình của nhiều bạn trẻ thủ đô.
Găng rừng vốn là loài cây thân gỗ, nhiều gai nhỏ, lá hơi tròn mọc thành bụi, thường ở các vùng trung du phía Bắc. Nhiều nơi ở vùng quê hay trồng thành hàng rào tự nhiên. Cây lá găng có nhiều loại nhưng để chế biến thạch, người làm phải chọn những cành găng gai, lá hơi thuôn, nhọn, tù ở đầu.
Theo kiểu truyền thống, lá găng rừng được đem phơi khô, bỏ hết gai sau đó rửa sạch. Lưu ý quan trọng là phải chọn lá găng khô, khi vò thạch mới ngon và không có mùi hôi.
Những nguyên liệu này tiếp tục được tráng qua nước lọc, để ráo, chuyển vào rá, vò nát và đổ nước sôi, vắt kiệt đến khi hết chất trong lá. Nhiều người thường bỏ thêm chút vôi cho thạch cứng hơn.
Công đoạn vò lá cũng phải rất nhanh tay, chỉ chừng 10 - 15 phút. Quá thời gian này, thạch sẽ bị đông mà chưa kịp lọc. Sau khi lọc xong, bạn chờ trong vòng một tiếng để chúng lắng xuống là có thể thưởng thức.
Thạch găng có màu xanh rêu lóng lánh, mềm mịn, trơn tuột khi chạm vào lưỡi. Hương vị đặc trưng hơi chát nhưng thường được ăn kèm nước đường ngọt dịu, tác dụng giải nhiệt rất tốt.
Ở Hà Nội, nhiều quán thường cho thêm trân châu hay thạch đen để làm phong phú món ăn. Một số nơi còn ăn cùng nha đam cắt khúc hoặc rót thêm giọt dầu chuối.
Bạn có thể ghé quán Chè Gỗ trên phố Trần Phú hoặc một vài quán ăn mang hương vị Hải Phòng để thưởng thức món này. Giá trung bình 10.000-20.000 đồng mỗi cốc.
Xem thêm: Quán ăn mang hơi thở xứ cảng giữa lòng Hà Nội.
Anh Phương