Nhiếp ảnh gia Eduardo Schaberger Poupeau ở gần Rafaela, Argentina, chụp bức ảnh hôm 9/3, sử dụng thiết bị camera chuyên dụng. Tường plasma nhô lên ở độ cao 100.000 km phía trên bề mặt Mặt Trời, tương đương 8 Trái Đất xếp chồng lên nhau. "Trên màn hình máy tính của tôi, cảnh tượng trông như hàng trăm sợi plasma chảy xuống từ bức tường", Poupeau chia sẻ.
Hiện tượng trên có tên tai lửa vương miện vùng cực (PCP), theo Spaceweather.com. Về bản chất, PCP tương tự tai lửa Mặt Trời thông thường. Đó là những dòng plasma hay khí gas ion hóa phun ra từ bề mặt ngôi sao do từ trường. Tuy nhiên, PCP xảy ra gần cực từ của Mặt Trời, giữa 60 - 70 độ vĩ Bắc và 60 - 70 độ vĩ Nam, khiến chúng đổ sụp trở lại bề mặt do từ trường gần vùng cực mạnh hơn, theo NASA. Quá trình đổ sụp này khiến chúng có biệt danh "thác plasma".
Plasma bên trong PCP thường không rơi tự do vì nó vẫn bị hãm bên trong từ trường. Tuy nhiên, plasma trượt xuống ở tốc độ lên tới 36.000 km/h, nhanh hơn nhiều khả năng chịu của từ trường, theo tính toán của các chuyên gia. Giới nghiên cứu vẫn đang tìm hiểu điều này xảy ra như thế nào. Một nghiên cứu công bố năm 2021 trên tạp chí Frontiers in Physics hé lộ PCP trải qua hai pha trong quá trình phun trào, pha chậm trong đó plasma chậm rãi bắn lên cao và pha nhanh, khi plasma tăng tốc hướng lên đỉnh cao. Có thể quá trình tác động tới cách plasma rơi trở lại bề mặt nhưng cần nghiên cứu sâu hơn để xác nhận.
Các nhà vật lý Mặt Trời thường nghiên cứu tai lửa do chúng đi kèm cơn phun trào vành nhật hoa, những cột plasma từ hóa vỡ ra từ Mặt Trời và hướng thẳng vào Trái Đất. Nhưng PCP cũng rất đáng quan tâm đối với nhà vật lý hạt nhân bởi từ trường của Mặt Trời dường như đặc biệt phù hợp để kìm hãm dòng plasma ở vùng cực, có thể giúp giới nghiên cứu cải tiến lò phản ứng nhiệt hạch thử nghiệm.
PCP rất phổ biến và có thể xảy ra gần như mỗi ngày, dù ảnh chụp hiện tượng như bức ảnh của Poupeau rất hiếm. Tuy nhiên, giống như nhiều hiện tượng liên quan tới plasma khác trên Mặt Trời, PCP có thể trở nên thường xuyên và dữ dội hơn khi Mặt Trời tiến gần tới đỉnh chu kỳ 11 năm, gọi là giai đoạn cực đại.
An Khang (Theo Live Science)