"Có điên mới bỏ ra số tiền lớn đến thế!", rất nhiều độc giả đã thốt lên như vậy với VnExpress khi được biết thời gian tới, có thể các nhà đài Việt Nam phải chi trả số tiền 1.000 tỷ đồng để mua bản quyền truyền hình Ngoại hạng Anh từ tập đoàn truyền thông IMG của Mỹ.
Dù đây chỉ mới là động thái thăm dò phản ứng ban đầu của IMG, các nhà đài Việt Nam vẫn còn "thời gian để bình tĩnh" bởi hạn chốt mua bản quyền là tháng 9/2013. Dù vậy, người hâm mộ bóng đá Việt Nam không bình tĩnh nổi trước thông tin này.
Độc giả Quoctruong lên tiếng: "Bỏ ra 1.000 tỷ tôi thấy thật nực cười vào thời kỳ mọi thứ đang khủng hoảng. Với 1.000 tỷ, nhà đài có thể bỏ ra đầu tư làm một giải bóng đá 3 năm để phát triển nền bóng đá nước nhà, hơn là ngồi xem ngoại hạng rồi cả thế giới, thậm chí là người trong nước, không ai biết gì về bóng đá Việt Nam".
Dù từ nhiều năm nay, những trận đấu tối thứ bảy, Chủ nhật đã trở thành món ăn tinh thần của người hâm mộ môn thể thao vua tại Việt Nam, nhưng trước mức giá được nhiều người cho là "phi thực tế" và "không xứng đáng" này, nhiều độc giả đã đồng tình không mua và tự an ủi "Thôi, không xem trực tiếp cũng được. Ngủ sớm, giữ sức khỏe".
"Tất cả những chuyện thế này cũng vì từ ngày có K+ mà ra. Trước đó chỉ cần thuê bao cáp 50.000 đồng/tháng cũng được xem PL trên ESPN và Starsport rồi. Tiền mua bản quyền cũng không mắc như bây giờ. Còn giờ thì người nước ngoài đã thấy người VN tự bắt chẹt nhau, họ cứ lợi dụng mà thổi giá thôi" (Vutientien).
Than thở, trách móc, nhưng nhiều người hâm mộ cho rằng còn nhiều lựa chọn khác để có thể theo dõi và cập nhật thông tin về các trận đấu. Dù có kém "đã" hơn một chút. "Chúng ta thà xem online còn hơn"- bạn đọc NT tuyên bố.
"Tôi là dân nông thôn, đam mê bóng đá từ nhỏ. Thời học đại học ở thành phố, được xem truyền hình cáp. Từ ngày về quê, có muốn xem cũng không được. Vì vậy tôi đành chôn niềm đam mê của mình bằng cách theo dõi tin tức qua báo chí, xem các trận chiếu lại. Với tôi, như vậy cũng được an ủi phần nào" - độc giả Lê Đình Trí tâm sự.
"Ngoài ra, bên cạnh ngoại hạng Anh vẫn còn những giải đấu khác hấp dẫn không kém như Seria A của Ý, La Liga của Tây Ban Nha"- độc giả Bình Triệu cho biết.
Có thể thấy dù "hâm mộ", "yêu thích", "ghiền" nhưng giới hâm mộ bóng đá Việt vẫn là những người tiêu dùng tỉnh táo, biết cân đối giữa túi tiền và niềm đam mê của mình.
Và họ cũng mong, các nhà đài Việt Nam đoàn kết và tỉnh táo trong việc đàm phán, bởi "hàng tốt nhưng giá quá cao thì không phải là món hàng tốt" (LB).
Vũ Vy tổng hợp
Chia sẻ bài viết của bạn về thể thao tại đây