"Mẹ xin lỗi vì đã quên, vì để con chờ đợi lâu quá", tôi vội vàng nói. "Các bạn được bố mẹ đón hết rồi. Con đứng chờ mẹ mãi không thấy, trường phải đóng cửa nên cô đưa con về". Tôi thẫn thờ: "mẹ có lỗi quá". Con đưa hai bàn tay bé xíu nựng khuôn mặt mẹ, đôi mắt trong veo đối diện mắt tôi rơm rớm: "Con tha thứ cho mẹ đấy".
Hôm ấy, tôi đã quên đón con. Khi thấy cuộc gọi nhỡ và tin nhắn của cô, tôi chợt nhớ ra bà hàng xóm, người vẫn giúp tôi đón bé mỗi ngày có việc phải về quê, mới lật đật về. Cơ quan tôi xa nhà nên không thể đưa đón con hàng ngày, và hôm đó tôi thậm chí không nhớ tới giờ đón cháu. Trẻ con tha thứ và an ủi người lớn. Bao nhiêu dằn vặt trong tôi tan chảy ở khoảnh khắc con nói "tha thứ", bao dung và trìu mến.
Mới đây, một người mẹ tung ra bức ảnh mà chị mô tả rằng con mình đang phải đứng dưới trời nắng gần 40 độ ngoài cổng trường vì "tội" đến sớm. Người mẹ khẳng định em không được cho vào lớp vì ngày hôm trước em cùng các bạn đến sớm gây ồn ào, bị cô phê bình trước bục giảng.
Hình ảnh em bé tràn ngập mạng xã hội, cùng hàng ngàn bình luận trái chiều về cách ứng xử của cô, của mẹ, về kết luận của UBND Thành phố Hải Phòng rằng em đứng dưới nắng "không phải do yêu cầu của nhà trường và giáo viên chủ nhiệm", rồi em "đã tự đi ra ngoài cổng trường đứng". Tôi ước gì việc này có thể nhẹ nhõm đi bằng ứng xử giữa những người lớn nhưng đã ngày càng trở nên căng thẳng.
Các câu chữ, hình ảnh sẽ tồn tại mãi mãi trên Internet. Tôi tự hỏi 5, 10 năm nữa, đọc các bài viết về mình, em sẽ thấy thế nào? Và liệu đã có ai, phụ huynh, thầy cô hay ai khác nhìn sâu vào mắt em, nói lời xin lỗi mong em tha thứ chưa?
Đó là điều tôi tìm kiếm. Đặt trường đoạn trần tình giữa các bên, những cuộc họp hành chính hay quy định về giáo dục sang một bên. Do ai đi nữa, thì trước tiên em bé sáu tuổi hay bất cứ em bé nào phải được ở chỗ mát, được an tâm và an toàn. Tôn trọng và chăm sóc trẻ mới là mục tiêu tối thượng. Quy trình nào, nhà trường phối hợp với cha mẹ ra sao cũng nhằm để tất cả con em chúng ta được tiếp cận giáo dục như nhau, được bảo vệ, được chăm lo. Và nếu vì bất cứ lý do gì khiến các em không được như vậy, đầu tiên là người lớn, cả hệ thống phải xin lỗi các em.
Là một người mẹ, tôi tin rằng dù đã bị tổn thương, đã bị đứng dưới nắng gắt trưa hè, bị đứng trên bục giảng phê bình trước các bạn ngày hôm trước, thì chỉ cần được an toàn đến trường vào hôm sau, em cũng như con tôi, sẽ quên và tha thứ cho người lớn. Như "tha thứ" cho bất cứ quy trình, quy định nào do người lớn nghĩ ra mà quên mất việc học sinh có thể đi sớm, về muộn hơn các bạn cùng lớp vì cha mẹ bận kế sinh nhai. Bởi trái tim con trẻ ấm áp và nhân hậu hơn tất thảy người lớn chúng ta.
Những người đang mải mê tranh cãi cho thấu tình đạt lý, lục tung các văn bản để bắt lỗi nhau, quy trách nhiệm vì đã "làm xấu mặt ngành Giáo dục". Người lớn còn đang bận truy lùng để đưa người có lỗi lên giàn thiêu đạo - lý.
Một ngôi trường đủ tốt là nơi trẻ được cất tiếng nói, tối thiểu là có thể hỏi điều chúng thắc mắc, đàng hoàng bước vào nơi chúng cảm thấy an toàn, được làm những việc của trẻ em mà không sợ Sao đỏ hay cô giáo bắt lỗi. Ngôi trường đủ tốt cũng có chỗ cho trẻ đứng đợi trước giờ vào lớp hoặc khi tan học, phụ huynh không thể đến đón con đúng giờ. Đây không phải là câu hỏi riêng của một ngôi trường.
Khắp cả nước, có bao nhiêu phụ huynh đang phải tính toán, hối hả từng giờ khắc đưa đón con, nháo nhác tìm chỗ gửi ngoài trường học? Thực tế từ nhiều năm nay, rất ít ngôi trường tổ chức được không gian "chờ đợi" đủ an toàn cho con trẻ. Lác đác một vài nơi thí điểm nơi trông trẻ ngoài trường học ở cấp mẫu giáo hoặc mô hình trông ngoài giờ tư thục, nhưng cơ quan quản lý vẫn đầy lúng túng, chưa thừa nhận "vì chưa có cơ sở pháp lý nào để đưa ra hướng dẫn thực hiện".
Bộ Giáo dục và Đào tạo hai tuần trước đề xuất đưa dịch vụ đưa đón học sinh bằng ô tô, xe buýt vào luật, sau rất nhiều lần trẻ em bị tai nạn, rơi từ xe đưa đón tự phát. Đúng những ngày Quốc hội đang làm luật, thay vì tranh cãi trên mạng, chúng ta có quyền mong đợi các nghiên cứu kỹ lưỡng của nhà lập pháp trong việc tổ chức không gian an toàn trường học, đưa thêm quy định cụ thể hơn vào các văn bản luật để cải thiện thực tế còn lỗ hổng này.
Đó là cách tốt nhất để nói lời xin lỗi con trẻ, cũng là để người lớn tốt lên, hệ thống lớn lên, những đứa trẻ cũng được lớn lên dưới bóng mát của sự tôn trọng và thương yêu. Chúng ta còn nợ bọn trẻ bao nhiêu lời xin lỗi kèm theo hành động thật lòng?
Nguyễn Thu Quỳnh