Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ tư, 19/5/2021, 02:03 (GMT+7)

Thả rùa về biển Sơn Trà

Đà NẵngHai nhiếp ảnh gia Đà Nẵng vừa có cơ hội tham gia công tác cứu hộ, chăm sóc và thả một cá thể rùa trở về biển.

Đầu tháng 5, hai nhiếp ảnh gia Võ Rin, Nguyễn Thùy Linh (Đà Nẵng) có dịp trải nghiệm quá trình chăm sóc cá thể rùa bị thương, thả về biển. Trong ảnh là khu vực bãi biển Mân Thái, nép mình bên chân núi Sơn Trà là nơi Trung tâm cứu hộ sinh vật biển Đà Nẵng (SASA) chọn làm bể dưỡng dã chiến để chăm sóc rùa.

Con vích (còn gọi rùa xanh) này tầm 9 năm tuổi, nặng khoảng 11,5 kg, mai dài 47 cm và rộng 44 cm, do ngư dân Hoàng Ngọc Hậu phát hiện bị thương nặng dạt vào bãi biển xã Bình Hải, huyện Thăng Bình, Quảng Nam. Anh Hậu tìm cách liên hệ, bàn giao cá thể rùa này với Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm và phối hợp với SASA để bắt đầu chăm sóc vào ngày 2/5 tại bãi biển Mân Thái.

Anh Chiến Lê, người sáng lập SASA, cho biết con rùa này là cá thể cái, bị cá mập tấn công với cú đớp mạnh nên hai phần chi sau của rùa bị mất, phía sau mai bên trái, phải đều bị mất những mảng lớn và thủng một lỗ ở yếm.

Nó trải qua một chặng đường gian nan, để thoát khỏi hàm cá mập và sinh tồn giữa đại dương, đuối sức khi dạt vào bờ và điều kỳ diệu này nên nhóm cứu hộ đặt tên là “Wonder”.

Qua quá trình kiểm tra phim chụp X-quang và theo dõi Wonder, SASA nhận thấy con rùa kiên cường, phục hồi nhanh chóng, các chấn thương vật lý không quá ngại. Wonder chịu ăn trở lại sau hai ngày chăm sóc. Các thức ăn tạm là rau xà lách và khi quen dần thì được các nhân viên cho ăn rong biển. Wonder có một chút rối loạn cân bằng nổi, mỗi khi cố gắng lặn là phần sau thân bị vểnh lên trên.

Khi kiểm tra phân của Wonder có nhiều loại rác thải nhựa, từ giấy gói kẹo, ni lông cho tới cước, lưới. Wonder đã trải qua một cuộc chiến của tự nhiên, chiến thắng hàm răng cá mập nhưng các loại rác này nếu không lấy ra kịp thời thì lại dễ dàng tước đi sự sống của nó. Những loại rác thải nhựa này đang ngập trong đại dương, hủy hoại môi sinh và giết dần sinh vật biển.

Sáng ngày 7/5, sau một tuần phục hồi nhanh, nhóm cứu hộ rùa biển khẩn trương vận chuyển nó lên thuyền để thả về đại dương.

Sau chặng đường di chuyển trên thuyền, con rùa được nhóm cứu hộ đưa lên thuyền thúng, di chuyển vào một bãi thả thuộc vùng biển bán đảo Sơn Trà.

Nhóm cứu hộ chèo thuyền thúng đưa Wonder vào bãi thả. Loài rùa xanh phân bố ở vành đai nhiệt đới trên biển và các vùng nước ấm thuộc Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Theo tài liệu của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), thập niên 1970, vích phổ biến tại các vùng biển Việt Nam, sinh sản nhiều ở các bãi biển ven bờ và các đảo vịnh Bắc Bộ, Nam Trung Bộ (Quảng Nam đến Ninh Thuận), Côn Đảo và tại các đảo thuộc vịnh Thái Lan. Nhưng theo những khảo sát gần đây, số lượng vích đang giảm tại tất cả các khu vực, ngoại trừ Côn Đảo. Săn bắt các loại rùa biển là vi phạm pháp luật Việt Nam.

Anh Nhựt (trái), làm việc tại Chi cục Thủy sản TP Đà Nẵng cho biết, công việc cứu hộ, chăm sóc một cá thể rùa biển là trách nhiệm chung, góp phần bảo vệ loài và sinh cảnh nên có sự góp sức của cả tập thể ở tất cả các khâu, từ tiếp nhận, chăm sóc và thả nó về đại dương.

Wonder chuẩn bị được thả về biển.

Nhiếp ảnh gia Võ Rin chia sẻ, tình hình dịch bệnh phức tạp nên nhóm cứu hộ quyết định thả Wonder ở vùng biển bán đảo Sơn Trà, thay vì ở vùng biển Cù Lao Chàm là nơi sinh sống lúc nó gặp nạn.

“Cảm xúc tôi dâng trào khi được tham gia cùng đội thả rùa về biển và những hình ảnh về rùa Wonder để lại kỷ niệm đẹp trong quá trình chụp ảnh của tôi”, anh Võ Rin tâm sự.

Rùa biển thỏa thích bơi lội tự do trong dòng nước. Nhóm cứu hộ cho biết qua hành trình thả rùa về biển muốn truyền tải thông điệp đừng bao giờ đánh mất niềm tin và hy vọng, đừng dễ dàng bỏ cuộc. Đồng thời một lần nữa, con người chúng ta phải nhìn lại về vấn đề rác thải nhựa trôi nổi trong lòng đại dương.

Thả rùa về biển ở Sơn Trà
 
 

Wonder bơi về biển ở bán đảo Sơn Trà. Video: SASA Đà Nẵng

Huỳnh Phương
Ảnh: Võ Rin, Thùy Linh

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net